logo Tư vấn pháp luật Trao đổi kinh nghiệm

Lan tỏa, khơi dậy sức sáng tạo, vượt khó của đội ngũ nhà giáo Xứ Thanh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, xây dựng Thanh Hoá văn minh, thịnh vượng
(16:02, 25/09/2023)

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Bất kỳ việc to việc nhỏ, hễ thêm điều lợi, trừ điều hại cho quần chúng, giúp quần chúng giải quyết vấn đề khó khăn, tăng kết quả của việc làm, tăng sức sản xuất của xã hội, đánh đổ sức áp bức của quân thù, đó đều là sáng kiến”; “Sáng kiến không phải cái gì kỳ lạ hay chung chung, trừu tượng mà chỉ là kết quả của sự nghiên cứu, suy nghĩ trong những hoàn cảnh, những điều kiện bình thường, rất phổ thông, rất thiết thực. Ở tầm sáng tạo lớn, có ảnh hưởng rộng là phát minh, bao hàm cả sáng chế. Ở tầm thấp hơn, nhỏ hơn thì là sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Tất cả đều là sản phẩm được sáng tạo ra khi cuộc sống thúc bách”.

Chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động vào thời điểm cả nước chung tay, chung sức, đồng lòng phòng, chống đại dịch Covid-19 và từng bước hồi phục kinh tế. Chương trình nhằm khơi dậy lòng yêu nước, sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, đồng cam cộng khổ của công công nhân, viên chức, người lao động, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước, kịp thời thích ứng điều kiện tình hình mới.

Công đoàn Giáo dục Thanh Hoá được vinh danh tại Lễ tổngn kết Chương trình 01 triệu sáng kiến

Thấm nhuần lời dạy của Người và ý nghĩa sâu sắc của Chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”, trong thời gian qua các cấp công đoàn Thanh Hóa nói chung và Công đoàn Giáo dục Thanh Hóa đã linh hoạt, sáng tạo chủ động triển khai có hiệu quả Chương trình. Kết thúc Chương trình 01 triệu sáng kiến, Công đoàn ngành Giáo dục Thanh Hóa có 11.772 sáng kiến hợp lệ vượt chỉ tiêu giao 3.804 sáng kiến, góp phần sự thành công của tỉnh nhà là đơn vị dẫn đầu cả nước về tham gia Chương trình với hơn 600.000 sáng kiến.

Tham gia Chương trình 01 triệu sáng kiến, ngay từ những ngày đầu, Thầy giáo Đỗ Quốc Vương, giáo viên Trường THPT Tĩnh Gia 3, có 05 sáng kiến Tham gia Chương trình, trong đó có 01 sáng kiến được trưng bày tại Lễ tổng kết do LĐLĐ tỉnh tổ chức với giải pháp: Nguyên cứu phát triển hệ thống nhận diện một số hành vi bạo lực học đường sử dụng AI thông qua camera giám sát, chia sẻ:

Bạo lực học đường là vấn đề không phải mới, nhưng ngày càng trở thành vấn nạn “học đường”, nó diễn ra ở khắp mọi nơi: trong lớp, trong trường, ngoài trường. Nó không những ảnh hưởng về thể chất, mà còn cả tinh thần, dưới nhiều hình thức: như các việc đánh nhau giữa các học sinh, tấn công/quấy rối, mang vũ khí… Nhiều hành vi trong số đó là nỗi ám ảnh về tinh thần và ảnh hưởng nghiêm trọng tới các học sinh bị bạo lực. Cùng với sự phát triển về Khoa học - công nghệ như: Phát hiện các mô hình AI cho khả năng nhận dạng đối tượng; các ngôn ngữ lập trình website; các ứng dụng trên di động thì việc phát hiện một số hành vi bạo lực sau đó gửi các thông báo về khi có các hành vi này là hoàn toàn khả thi.

Thầy giáo đang thao tác giải pháp tại phòng nề nếp của nhà trường

Thông qua Camera giám sát được lắp đặt ở các khu vực cụ thể của nhà trường, các hình ảnh/video sẽ được gửi về máy chủ xử lý. Tại đây, mô hình AI được sử dụng để phát hiện các hành vi bạo lực nếu có xuất hiện trong các khung hình gửi về. Trong trường hợp phát hiện các hành vi bạo lực, tin nhắn thông báo sẽ được gửi dưới dạng tin nhắn về ứng dụng Telegram cho người quản lý, đồng thời gửi luôn hình ảnh phát hiện để người quản lý xác thực thông tin.

Thầy cho biết thêm, hiện nay các nhà trường hầu hết đều có gắn camera giám sát ở nhiều vị trí, chỉ cần đầu tư 01 PC làm máy chủ để cài đặt hệ thống (cấu hình: CPU i5 - i7, ram 16gb..) là giải pháp có thể vận hành tốt. Hệ thống của thầy đang được cài đặt và vận hành tại trường THPT Tĩnh Gia 3 - Nghi Sơn - Thanh Hóa, đem lại hiệu quả trong công tác quản lý nền nếp của nhà trường được lãnh đạo đơn vị đánh giá cao; đem lại hiệu quả, làm lợi cho nhà trường hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Cũng xuất phát từ thực tiễn, với ý nghĩa tạo ra các sản phẩm hữu ích từ các vật liệu, rác thải nhựa để xử dụng đem lại, giá thành rẻ và chống ô nhiễm môi trường, Cô giáo Lê Thị Hồng Ngọc, giáo viên trường THPT Như Xuân 2, cùng nhóm học sinh đã nghiên cứu, tìm gia giải pháp “Sử dụng rác thải nhựa bị bỏ quên” để sản xuất gạch lát vỉa hè”

Cô Ngọc trao đổi với học sinh về giải pháp

Theo Cô giáo: trung bình hàng năm thế giới thải ra khoảng 353 triệu tấn rác thải nhựa, nhưng lượng rác thải tải chế chỉ đạt 9%, 19% được tiêu hủy, còn lại đem đi chôn lấp gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, cạn kiệt tài nguyên thiên thiên nói chung và cạn kiệt nguồn vật liệu xây dựng nói riêng cũng đang là một vấn đề đáng báo động. Với đề tài nghiên cứu đưa rác thải “nhựa bị bỏ quên” thành các loại vật liệu xây dựng để sản xuất gạch lát vỉa hè, sân vườn với quy trình đơn giản, mở ra một hướng giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa. Gợi ý thêm nhiều loại vật liệu mới cho ngành xây dựng với quy trình thực hiện đơn giản, không gây ảnh hưởng đến môi trường.

Bên cạnh đó, mỗi viên gạch làm ra sẽ rẻ hơn 30% so với gạch cùng loại trên thị trường về chất lượng, mẫu mã đẹp, bền. Quy trình tiến hành đơn giản, nguyên liệu dễ tìm mua nên ai cũng thực hiện được, thực hiện trong bất cứ quy mô cá nhân, hộ gia đình hay sản xuất quy mô lớn. Do có cấu tạo 3 lớp bê tông và nhựa ở lớp giữa nên sản phẩm của dự án không tạo ra hạt vi nhựa gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe con người, sinh vật. Hiện nay, Các thành viên của dự án đã hướng dẫn cho nhiều trường học, hộ gia đình tiến hành sản xuất những viên gạch “xanh” theo quy trình của nhóm, hiện tại dự án đã và đang được duy trì tại các xã lân cận trên địa bàn trường THPT Như Xuân II như: xã Bãi Trành, xã Xuân Bình,...

Đối với Cô giáo Vũ Thị Quyền không chỉ là một giáo viên dạy giỏi môn toán tại Trường THPT Vĩnh Lộc, mà cô còn rất đam mê nghiên cứu khoa học. Trong sự nghiệp “trồng người”, Cô đã hướng dẫn nhiều lớp học sinh nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo ra các giải pháp có tính thực tiễn, đem lại tính hữu ích cho cộng động, xã hội. Cô đã có nhiều sáng kiến Tham gia Chương trình “01 triệu sáng kiến”; trong đó sáng kiến nổi bật là: “Robot thông minh bầu bạn với trẻ mầm non và giúp học sinh phổ thông tiếp cận với việc chế tạo Robot sớm hơn”, đem lại lợi ích hàng trăm triệu đồng cho người học.

Lãnh đạo ngành Giáo dục thăm mô hình của Cô Quyền tại Lễ tổng kết Chương trình 01 triệu sáng kiến

Cô Quyền tâm sự: Trong bối cảnh xã hội ngày càng hiện đại và phức tạp, robot bầu bạn có thể giúp cho những người cô đơn, buồn chán hoặc thiếu tự tin có một người bạn để tâm sự, chia sẻ và động viên. Xuất phát từ thực tế đó, mà Cô và nhóm học sinh đã phát triển, nghiên cứu ra Robot có tình năng có thể hiểu được ngôn ngữ của con người, phản ứng với các tình huống khác nhau và thể hiện cảm xúc phù hợp; được sử dụng ở nhà, ở trường học, bệnh viện, nhà dưỡng lão, công ty,… tham gia vào giáo dục và chơi cùng trẻ em, chăm sóc và hỗ trợ người già, tâm sự và tạo niềm vui cho người cô đơn, trầm cảm hoặc bệnh nhân và những người bị cách ly xã hội. Ngoài ra nó còn có thể hỗ trợ công việc cho những người bận rộn như là một thư ký, trợ lý ảo, giúp cho người dùng thực hiện các công việc hàng ngày hoặc học tập và làm việc hiệu quả hơn.

Cô Quyền cho biết thêm, Dự án “Robot thông minh bầu bạn với trẻ mầm non và giúp học sinh trung học tiếp cận với chế tạo Robot sớm hơn” một mặt giúp học sinh tìm tòi khám phá người bạn máy, công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo, đồng thời nhằm gợi mở trí tưởng tượng và trang bị kỹ năng cần thiết về AI, để các em học sinh trung học có niềm say mê khoa học, rèn luyện được tính kiên nhẫn, hoàn thiện tư duy logic, từng bước làm quen với ngôn ngữ lập trình từ sớm, nhằm hình thành nên một thế hệ công dân số.

Đồng chí Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá trao bằng khen cho Cô Quyền có mô hình tiêu biểu tại Lễ tổng kết Chương trình 01 triệu sáng kiến

Nhận định về ý nghĩa, sức lan tỏa, tính hiệu quả của Chương trình “1 triệu sáng kiến”, đồng chí Trần Văn Bình - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Thanh Hóa cho biết: Để thực hiện chương trình đạt hiệu quả, Công đoàn ngành Giáo dục đã xây dựng kế hoạch phát động đợt thi đua cao điểm; phân công cán bộ, lãnh đạo trực tiếp phụ trách, theo dõi, kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc triển khai thực hiện; giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị Công đoàn cơ sở; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn Công đoàn cơ sở phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị triển khai chương trình với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với thực tiễn; hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, giáo viên, người lao động toàn ngành có thời gian, môi trường nghiên cứu, sáng tạo.

Ghi nhận những đóng góp cho chương trình, Công đoàn Giáo dục được LĐLĐ tỉnh tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo; có 05 tập thể, 09 cá nhân được LĐLĐ tỉnh tặng bằng khen; 03 sáng kiến tiêu biểu được chọn làm mô hình trưng bày tại Lễ tổng kết của LĐLĐ tỉnh, Công đoàn ngành Giáo dục khen thưởng cho 25 tập thể và 82 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tham gia Chương trình.

Có thể khẳng định, Chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” đã trở thành phong trào có ý nghĩa, sức lan tỏa, khơi dậy sự sáng tạo, tinh thần thi đua lao động, làm việc của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động trong ngành Giáo dục. Chương trình đã làm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, khích lệ nhà giáo và người lao động “hiến kế”, đề xuất những cách làm hay, ý tưởng sáng tạo có tính thích ứng cao trong điều kiện bình thường mới để vận dụng vào thực tiễn, đáp ứng kịp thời yêu cầu đổi mới, sáng tạo trong công tác chuyên môn của cơ quan, đơn vị, trường.

Các tập thể được ngành vinh danh có thành tích xuất sắc trong việc tham gia Chương trình 01 triệu sáng kiến

Hy vọng, từ sự thành công của Chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”, trong đó có nhiều sáng kiến hay, mô hình mới, sáng tạo; có tính thực tiễn, tính cộng đồng cao với những giải pháp thiết thực trong công tác giảng dạy, quản lý, cụ thể hóa các chương trình, hoạt động công đoàn tại các đơn vị, nhà trường sẽ là tiền đề “cất cánh” để phong trào nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm được các cấp Công đoàn Giáo dục Thanh Hóa tiếp tục triển khai sâu rộng, phát huy hiệu quả tích cực trong thực tiễn giảng dạy, quản lý, chuyên môn. Qua đó, khơi dậy sức sáng tạo của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành, tạo chuyển biến tích cực trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XIX về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo và Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIX với mục tiêu đưa Giáo dục Thanh Hóa tiệm cận thứ 20 cả nước./.

Tin: Nguyễn Đức Tuấn - Công đoàn Giáo dục Thanh Hoá

 

  


Các tin khác
Công đoàn Giáo dục tỉnh Đồng Tháp – Dấu ấn nhiệm kỳ, 5 năm nhìn lại (31/07/2023)
Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Phú Thọ: Một năm học đổi mới và hiệu quả (28/07/2023)
Công đoàn Giáo dục tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu 5 năm (2018—2023)- một chặng đường (11/05/2023)
Khối thi đua số 3 của Công đoàn Giáo dục Việt Nam và các trường đại học, học viện khác trong cả nước tổ chức hội thảo khoa học quốc gia Văn hoá nhà trường sư phạm - Những vấn đề lý luận và thực tiễn (11/05/2023)
Công đoàn ngành Giáo dục Hà Tĩnh tích cực tham gia Chương trình "01 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19", phấn đấu vượt mức chỉ tiêu hoàn thành trước thời hạn (28/04/2023)
Công đoàn Trường THPT Cẩm Bình xứng đáng là CĐCS tiêu biểu nhiệm kỳ 2017 - 2022 (27/04/2023)
HIỆU QUẢ CỦA MỘT PHONG TRÀO (07/04/2023)
Quả ngọt từ mô hình “Trường học hạnh phúc” (05/03/2023)
Trường THCS Nguyễn An Ninh (TP Vũng Tàu) tổ chức gặp gỡ, đối thoại nhà giáo và học sinh với chủ đề “văn hoá nhà trường" (03/10/2022)
Phát huy dân chủ và vai trò của tổ chức công đoàn trong hội nghị cán bộ, viên chức tại các đơn vị trực thuộc CĐGD tỉnh Lâm Đồng (25/09/2022)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 17758070
Online: 2160
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn