logo Tư vấn pháp luật Trao đổi kinh nghiệm

Quả ngọt từ mô hình “Trường học hạnh phúc”
(23:27, 05/03/2023)

Sáng tạo trong việc xây dựng mô hình

Lấy cảm hứng từ mô hình “Happy School” của UNESCO, mô hình “Trường học hạnh phúc” được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn Giáo dục Việt Nam triển khai từ năm 2019 và nhanh chóng được nhân rộng trong nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước, trong đó có tỉnh Nghệ An. Tùy theo điều kiện mà mỗi địa phương có những tiêu chí khác nhau nhưng có chung tiêu chí quan trọng, có tính cốt lõi là: yêu thương, an toàn và tôn trọng.

Năm 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An đã ký ban hành Kế hoạch liên tịch số 773/KHLT-SGDĐT-CĐN, ngày 10/5/2019 về triển khai nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Kế hoạch đã đề ra các giải pháp nhằm nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, góp phần xây dựng môi trường nhà trường xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, không bạo lực học đường…trong đó có đề cập đến giải pháp “xây dựng mô hình điểm Trường học hạnh phúc” lấy tiêu chí trường học không có hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường làm tiêu chí chính, từ đó nhân rộng ra nhiều đơn vị khác.

Bên cạnh đó, căn cứ vào hướng dẫn của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An đã ban hành Công văn số 235/CĐN, ngày 29/12/2019 về việc hướng dẫn và tổ chức tham gia xây dựng trường học hạnh phúc theo kế hoạch nâng cao năng  lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, trong đó xây dựng một số tiêu chí cụ thể, nội dung cốt lõi của các tiêu chí đều hướng tới xây dựng trường học an toàn, thân thiện, đam bảo điều kiện cho việc dạy học, học sinh tích cực, giáo viên biết lắng nghe, chia sẻ, truyền cảm hứng cho học sinh.

Ngay sau đó đã có nhiều đơn vị đăng ký xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” và bước đầu đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tiêu biểu như trường THPT Diễn Châu 3; THPT Quỳ Châu; Tiểu học Lê Mao, thành phố Vinh và nhiều đơn vị trực thuộc phòng GD&ĐT các huyện như Diễn Châu; Quế Phong; Nghi Lộc…

Trong những ngày đầu của việc xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc”, để cán bộ, giáo viên trong toàn ngành hiểu thêm về ý nghĩa, tầm quan trọng và các giá trị cốt lõi của mô hình này, ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã mời ông Đặng Tự Ân - chuyên gia về xây dựng Trường học hạnh phúc của Quỹ Hỗ trợ đổi mới Giáo dục phổ thông Việt Nam - VIGEF về nói chuyện, truyền cảm hứng đến cán bộ, giáo viên trong ngành về “Trường học hạnh phúc”.

Để cụ thể hóa việc triển khai xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc”, ngày 19/5/2022, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông - VIGEF tổ chức khóa tập huấn “Hiệu trưởng - Người gieo mầm hạnh phúc” cho 186 cán bộ quản lý giáo dục tại các huyện Con Cuông, Đô Lương, Nghĩa Đàn và thành phố Vinh. Đây là một trong những khóa học cơ bản, quan trọng để xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc”.

Đồng chí Đặng Văn Hải - Chủ tịch CĐGD Nghệ An phát biểu tại lớp học

Buổi học sôi nổi tại thành phố Vinh

Học viên huyện Nghĩa Đàn trao đổi với giáo viên

Buổi học tại huyện Con Cuông

Kết quả xứng đáng với sự nỗ lực

Sau hơn 3 năm nỗ lực xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc”, ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã thu về những quả ngọt ban đầu, đó chính là sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư tưởng của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động về Trường học hạnh phúc, học sinh hạnh phúc, thầy cô hạnh phúc; chất lượng giáo dục chuyển biến tích cực; giảm tỷ lệ học sinh bỏ học. Nhiều đơn vị đã lấy đây là tiêu chí tự đánh giá Nhà trường. Đặc biệt, qua khoá học “Hiệu trưởng - người gieo mầm hạnh phúc”, cán bộ quản lý ý thức rõ hơn giá trị và tầm quan trọng của việc xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” trong đơn vị. Đa số học viên đã có những kiến thức cơ bản nhất về việc xây dựng Trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc và tầm quan trọng của nó đối với ngành Giáo dục và Đào tạo.

Từ những kiến thức có được từ khóa học, các học viên là cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đã lan tỏa được giá trị của việc xây dựng Trường học hạnh phúc tại đơn vị mình, giúp đội ngũ cán bộ, giáo viên hiểu rõ hơn về nội dung và giải pháp nâng cao hiệu quả trong việc triển khai thực hiện các cuộc vận động, cũng như các phong trào thi đua của ngành giáo dục. Từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc, góp phần đổi mới sự nghiệp Giáo dục Đào tạo của tập thể nhà trường.

Sau khóa học 6 tháng, 186 cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Nghệ An đã được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học “Hiệu trưởng - Người gieo mầm hạnh phúc”

Trường THPT Diễn Châu 3 - một trong những đơn vị đầu tiên đăng ký xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc ” và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Trường THPT Diễn Châu 3, huyện Diễn Châu

Căn cứ vào hướng dẫn của Sở GD&ĐT và Công đoàn ngành Giáo dục, nhà trường đã xây dựng hệ thống cốt lõi của việc xây dựng Trường học hạnh phúc tại đơn vị đó là: Thái độ tôn trọng, trách nhiệm, trung thực; hành vi hợp tác, sáng tạo; tinh  thần đoàn kết, nhân ái. Ban Giám hiệu nhà trường bắt đầu lắng nghe giáo viên, học sinh, phụ huynh nhiều hơn để chia sẻ, thấu hiểu và động viên khuyến khích giáo viên, học sinh thực hiện tốt nhiệm vụ dạy, học.  Bên cạnh đó, Nhà trường còn tổ chức rất nhiều hoạt động trải nghiệm để học sinh hình thành và phát triển năng lực cá nhân như câu lạc bộ Tiếng anh, âm nhạc, mỹ thuật, thể thao nhằm tạo nên niềm vui, tâm  lý háo hức hơn mỗi giờ lên lớp. Theo kết quả thống kê cho thấy, nhờ việc quan tâm chỉ đạo, thực hiện xây dựng trường học hạnh phúc đã góp phần thúc đẩy chất lượng giáo dục toàn diện tăng lên, chất lượng giáo dục mũi nhọn đã đạt được kết quả thật đáng ghi nhận, trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Các hiện tượng vi phạm đạo đức, vi phạm các quy định về hành vi thiếu văn hóa có chiều hướng giảm hẳn, tạo môi trường giáo dục đạo đức lành mạnh trong nhà trường. Không có hiện tượng học sinh bị đuổi học vì vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức văn hóa. Không có giáo viên bị kỷ luật vì vi phạm các hành vi văn hóa bị cấm. Qua theo dõi tại sổ đầu bài cho thấy tỷ lệ các giờ học (tiết học) được xếp loại tốt tăng lên, tỷ lệ giờ học loại yếu kém hầu như không còn. Mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường, xã hội tốt đẹp và kết quả công tác phối hợp được nâng cao.

Tại Trường THPT Quỳ Châu, đơn vị xây dựng “Trường học hạnh phúc” từ “lớp học hạnh phúc”. Theo kết quả thống kê tại các lớp được chọn xây dựng mô hình này cho thấy: Sau 3 năm thí điểm mô hình tại một số lớp học đã mang lại kết quả rất tốt. Tỷ lệ học sinh hạnh phúc tăng lên đáng kể và không còn học sinh chưa bao giờ hạnh phúc điều đó chứng tỏ rằng việc xây dựng lớp học dựa trên tiêu chuẩn hạnh phúc của học sinh đã bước đầu thành công. Ở lớp học đó, học sinh có nhiều cơ hội chia sẻ, bày tỏ cảm xúc, luôn cảm nhận được sự quan tâm, tôn trọng, lắng nghe ý kiến từ thầy cô, bạn bè và mọi người xung quanh. Học sinh nhận ra được lỗi lầm, hạn chế của họ để khắc phục, sữa chữa, phát triển toàn diện bản thân. Học sinh đã tích cực, chủ động hơn trong học tập và rèn luyện bản thân. Học sinh tự tin trước đám đông, không mặc cảm tự ti về những khuyết điểm, hạn chế của bản thân. Bên cạnh đó, kết qủa hạnh kiểm và học tập cũng chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng cao, không còn học sinh bị xếp loại học lực trung bình, kém. Tình trạng học sinh bỏ học không còn. Ngoài ra, các phong trào thi đua, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của lớp đó cũng đạt nhiều kết quả tốt. Với kết quả trên, thời gian tới Trường THPT Quỳ Châu sẽ nhân rộng mô hình này đến nhiều lớp khác trong toàn trường.

Từ những nỗ lực trong quá trình xây dựng mô hình và những kết quả đã đạt được, có thể nói đây là bước khởi đầu thành công trong việc xây dựng “Trường học hạnh phúc” tại tỉnh Nghệ An. Trong thời gian tới, căn cứ vào bộ tiêu chí của UNESCO và Công đoàn Giáo dục Việt Nam, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An sẽ xây dựng bộ tiêu chí cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn của nền giáo dục tỉnh nhà để nhân rộng mô hình này đến các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh.

                                                                  Công đoàn Giáo dục tỉnh Nghệ An

 

 

  


Các tin khác
Trường THCS Nguyễn An Ninh (TP Vũng Tàu) tổ chức gặp gỡ, đối thoại nhà giáo và học sinh với chủ đề “văn hoá nhà trường" (03/10/2022)
Phát huy dân chủ và vai trò của tổ chức công đoàn trong hội nghị cán bộ, viên chức tại các đơn vị trực thuộc CĐGD tỉnh Lâm Đồng (25/09/2022)
Công đoàn Giáo dục tỉnh Bến Tre với chương trình “Máy tính cho em” (13/09/2022)
Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Yên Bái: 10 năm thực hiện Luật Công đoàn 2012 (05/09/2022)
Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Yên Bái Sức mạnh lan tỏa từ một Chương trình (27/07/2022)
Ngành Giáo dục Thanh Hóa triển khai xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” (13/07/2022)
Sinh hoạt trao đổi chuyên môn trường giúp trường trong công tác ôn thi tốt nghiệp thpt năm 2022 tại tỉnh Lào Cai (19/04/2022)
Công đoàn ngành Giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ tổ chức Cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” năm 2022 (16/04/2022)
Công đoàn ngành Giáo dục Lạng Sơn - Một năm với nhiều dấu ấn trong hoạt động công đoàn (22/02/2022)
Công đoàn Giáo dục tỉnh Đồng Tháp với nhiều hoạt động sáng tạo, thiết thực, hiệu quả (30/01/2022)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 17765559
Online: 1276
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn