logo Tin hoạt động Tin nổi bật

Ân tình trong những bức thư
(09:15, 15/10/2018)

Từ năm 1945 cho đến những năm cuối cùng của cuộc đời – tháng 9/1969, Bác Hồ đã viết 23 bức thư gửi cho ngành giáo dục, có thể nói không có ngành nào được nhận thư Bác nhiều như ngành Giáo dục. Trong các bức thư Bác gửi có hai bức thư đặc biệt là: bức thư đầu tiên nhân ngày khai trường của nước Việt Nam mới (tháng 9/1945) và bức thư cuối cùng trước khi Người đi xa (15/10/1968).

Về bức thư đầu tiên

Thư gửi các học sinh nhân dịp khai trường đầu tiên của một đất nước vừa dành được chủ quyền độc lập, Bác viết trong một tâm thê xúc động: “Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp, tưng bừng ở khắp các nơi…” ngay từ bức thư đầu tiên Người đã đặt những ước vọng thiết tha “Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Đó chính là quan điểm giáo dục tự chủ, hiện đại, hướng tới mục tiêu đào tạo các thế hệ công dân mới trên cơ sở phát huy tiềm năng sẵn có của chính đối tượng người học: giáo dục vì học sinh và bằng học sinh. Trong bối cảnh nước nhà vừa dành được độc lập, Người đặt kỳ vọng lớn lao của cả dân tộc vào các thế hệ học sinh: “Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong, chờ đợi ở các em rất nhiều” và Người khích lệ “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang đê sánh vai với các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn công học tập của các cháu. Như vậy, ngay sau khi dành được độc lập, cùng với sự khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội mới, bức thư đầu tiên gửi ngành giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh việc phấn đấu rèn luyện, học tập của các thế hệ học sinh có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai, vị thế của dân tộc.

Bức thư cuối cùng

Cách đây 50 năm, vào ngày 15/10/1968, nhân dịp khai giảng năm học 1968-1969, Bác Hồ đã gửi thư chúc mừng đến tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và học sinh trong cả nước. Bức thư Bác viết ngày 15/10/1968 là bức thư cuối cùng Bác gửi cho ngành Giáo dục trước lúc Người đi xa, Bác viết trong thời điểm Bác viết Di chúc, chuẩn bị cho việc đi xa vĩnh viễn. Bác viết Di chúc từ năm 1965, trong bản khởi thảo, Bác đã viết: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau việc rất quan trọng và cần thiết”[1]. Những lần Bác xem lại và sửa chữa, Bác vẫn giữ nguyên lời di chúc này. Tư tưởng “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng” Bác cũng viết trong bức thư cuối cùng gửi cho ngành. Trong thư, Bác chỉ rõ:

-Giáo dục phải đạt được “tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng”[2].

Bác yêu cầu mục tiêu của giáo dục trước hết phải đào tạo được những con người của chế độ, bảo vệ chế độ

-“Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”

Hoạt động chính của giáo dục là dạy và học. Bác chỉ ra là phải làm việc chính cho thật tốt, để đạt đến mục đích là “nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra”. Với tư tưởng này, Bác nhấn mạnh sự coi trọng của dạy và học, vì chỉ qua hoạt động dạy và học mới đào tạo được lớp người cách mạng nối tiếp sự nghiệp cách mạng không ngừng.

Nhiều người chỉ nhớ: dù khó khăn đến đâu cũng phải dạy tốt và học tốt, không nghi nhớ lời Bác dạy: học để giải quyết các vấn đề do cách mạng đề ra, đây là mục đích chính của của việc dạy và học.

Bác dạy “Thày và trò phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày càng tốt hơn”[3]. Lời dạy này mãi mãi là cần thiết với mỗi nhà giáo, nhà trường. Sự chăm lo, ổn định cuộc sống của nhà giáo và học sinh là điều kiện, động lực để việc dạy và học được tốt hơn.

Với toàn Đảng, toàn dân, Bác chỉ rõ: “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng”, “giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân”

Trong thư Bác chan chứa tình yêu thương, Bác ân cần, thăm hỏi, biểu dương những thành tích đạt được của sự nghiệp giáo dục “Trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, sự nghiệp giáo dục của chúng ta vẫn phát triển nhanh, mạnh hơn bao giờ hết”; Bác khẳng định “ các trường đã có nhiều cố gắng trong việc thi đua dạy tốt, học tốt, bảo đảm an toàn cho thày và trò, làm cho đời sống vật chất và tinh thần ngày càng tiến bộ”. Bác tin tưởng, ghi nhận và đánh giá những kết quả mà ngành giáo dục đã đạt được có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta: “Mặc dù giặc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc ác liệt, chúng không những đã thất bại thảm hại trên mặt trận chính trị, quân sự, mà ta đã thắng chúng cả trên mặt trận giáo dục và đào tạo”. Theo Bác “làm được như vậy là nhờ có Đảng ta có đường lối đúng đắn, quân đội và nhân dân ta rất anh hùng; và cũng do các cô, các chú, các cháu trong trường học đã cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ”. Bác chỉ ra nhiệm vụ nói chung và ngành giáo dục nói riêng còn hết sức, khó khăn, gian khổ và nặng nề hơn trước, đó là thời điểm giặc Mỹ còn đánh phá miền Bắc rất dữ dội. Thư Bác đã kịp thời khích lệ, động viên, căn dặn, giao nhiệm vụ cho ngành và một lần nữa khẳng định “Nhiệm vụ của các thầy cô giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”. Từ lời dạy của Bác toàn ngành giáo dục đã dấy lên phong trào thi đua “hai tốt’; hàng ngàn nhà giáo, học sinh, sinh viên đã cố gắng hết mình vì miền Nam ruột thịt, sẵn sàng “xếp bút nghiên lên đường đi chiến đấu” rời ghế nhà trường lên đường đánh giặc, hy sinh bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, trong hoàn cảnh đổi mới đất nước, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức; những lời Bác dạy trong những bức thư vẫn còn nguyên giá trị và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thiết thực đối với sự nghiệp giáo dục

Năm nay, kỷ niệm 50 năm Bác gửi thư bức thư cuối cùng cho ngành giáo dục; đọc lại những lá thư Người gửi, chúng ta lại nhớ đến Bác Hồ kính yêu - Người đã dành cả cuộc đời vì độc lập tự do cho Tổ quốc và dành những sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt, tình cảm, công sức, trí tuệ cho sự nghiệp “trồng người” của đất nước. Năm mươi năm qua, thực hiện ước vọng của Người, ngành giáo dục đã nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Khắc ghi những lời căn dặn quý báu, chan chứa ân tình của Bác; mỗi cán bộ, nhà giáo, người lao động; các em học sinh, sinh viên cần không ngừng cố gắng trong công tác, học tập; đồng thời động viên, nhắc nhở luôn thực hiện tốt phong trào thi đua “Hai tốt”, coi đây là nền tảng, là động lực để phấn đấu thực hiện cho được niềm mong ước của Bác, đưa đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

 

 

  


Các tin khác
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” (12/10/2018)
(GD&TĐ)Trao tặng 1.990 bộ bàn ghế cho các trường khó khăn của Hà Nội (10/10/2018)
Hội nghị Giao ban khối thi đua trực thuộc CĐGD Việt Nam năm học 2018-2019 (10/10/2018)
Hội thao chào mừng thành công Đại hội XII Công đoàn Việt Nam trong Khối thi đua Công đoàn ngành Trung ương (08/10/2018)
(LĐO)Khai mạc Hội thao Khối thi đua Công đoàn ngành Trung ương năm 2018 (05/10/2018)
Công đoàn Giáo dục Việt Nam kí kết hợp tác với Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam (02/10/2018)
Toàn văn Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII (28/09/2018)
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII thành công tốt đẹp (26/09/2018)
Đại hội XII Công đoàn Việt nam phiên làm việc chiều 25.9 (25/09/2018)
Phiên trọng thể Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII nhiệm kỳ 2018- 2023 (25/09/2018)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 17603570
Online: 1772
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn