logo Chuyên đề Chính sách - Pháp luật

Một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 01 năm 2016
(15:06, 30/12/2015)

Từ tháng 01/2016, Luật Bảo hiểm Xã hội số 58/2014/QH13 và Nghị định số 115/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, trong đó quy định việc đóng BHXH theo mức thu nhập; trợ cấp mất việc; chế độ nghỉ thai sản; điều chỉnh cách tính lương hưu. Nghị quyết số 99/2015/QH13 về Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 quy định tăng lương tối thiểu vùng; Quyết định số 57/2015/QĐ-TTg về chính sách đối với hoạt động tình nguyện của thanh niên; Nghị định số 113/2015/NĐ-CP về phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo,... Cụ thể như sau:  

1. Đóng BHXH theo mức thu nhập

Theo Nghị định số 115/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc:

- Từ ngày 01/01/2016 đến 31/12/2017, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.

- Từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.

 2. Điều chỉnh mức lương cơ sở

* Nghị quyết số 99/2015/QH13 về Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 quy định:

- Chính phủ điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1,150 triệu đồng/tháng lên 1,210 triệu đồng/tháng (tăng khoảng 5%) từ ngày 01/5/2016, áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảm bảo thu nhập của đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức đang hưởng.

- Từ ngày 01/01/2016, sẽ thực hiện điều chỉnh tiền lương đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động dưới 2 triệu đồng/tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995 để lương hưu của các đối tượng này đạt mức lương cơ sở.

* Tăng lương tối thiểu vùng:

Theo Nghị định 122/2015/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng thì từ ngày 01/01/2016, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp kể từ ngày 01/01/2016 như sau:

+ Vùng I:   3.500.000 đồng/tháng (tăng 400.000 đồng).

+ Vùng II:  3.100.000 đồng/tháng (tăng 350.000 đồng).

+ Vùng III: 2.700.000 đồng/tháng (tăng 300.000 đồng).

+ Vùng IV: 2.400.000 đồng/tháng (tăng 250.000 đồng).

3. Thanh niên tình nguyện được hưởng chính sách như người có công

Theo Quyết định số 57/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với hoạt động tình nguyện của thanh niên, quy định:

- Trong quá trình tham gia tình nguyện, thanh niên có hành động dũng cảm bị chết hoặc bị thương sẽ được xem xét, công nhận là liệt sĩ hoặc được hưởng chính sách như thương binh theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.

Ngoài ra, thanh niên tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, xã hội không tham gia BHYT sẽ được hỗ trợ tối thiểu một nửa chi phí cứu chữa, phục hồi sức khỏe trong trường hợp bị tai nạn dẫn đến suy giảm khả năng lao động từ 5%-30% và được trợ cấp thêm ba lần mức lương cơ sở nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên.

- Trường hợp bị tai nạn dẫn đến suy giảm khả năng lao động từ 31% trờ lên thì ngoài chế độ hỗ trợ trên còn được trợ cấp một lần bằng ba lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở; Trường hợp bị chết do tai nạn lao động thì được trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở. Thanh niên tham gia hoạt động tình nguyện bị chết thì được cơ quan tổ chức hoạt động tình nguyện hỗ trợ mai táng và phương tiện đưa về quê, gia đình.

4. Trợ cấp mất việc ít nhất bằng hai tháng lương

Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 05/2015/NĐ-CP về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 quy định:

- Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của sáu tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc hoặc mất việc làm. Trường hợp người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo nhiều hợp đồng lao động kế tiếp nhau, khi chấm dứt hợp đồng lao động cuối cùng thì thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động theo các hợp đồng lao động.

- Người lao động có thời gian làm việc thực tế cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên mất việc làm nhưng thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm dưới 18 tháng thì trợ cấp mất việc làm của người lao động ít nhất bằng hai tháng tiền lương.

Bãi bỏ quy định về việc phải trả lương ngay trong tháng làm việc cho người lao động, chỉ còn quy định về việc trả lương một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần và được trả vào thời điểm trả lương.

5. Chế độ thai sản

* Cha được nghỉ thai sản

Lao động nam đang đóng Bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con cũng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 5 đến 14 ngày. 

Lao động nam được nghỉ 5 ngày làm việc nếu vợ sinh con. Nếu khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi được nghỉ 7 ngày làm việc.

Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc. Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

* Chế độ thai sản sau sinh mà mẹ chết hoặc con chết

Thời gian hưởng chế độ nếu sau khi sinh con mà con chết được quy định là 4 tháng tính từ ngày sinh con nếu con dưới 2 tháng tuổi hoặc 2 tháng tính từ ngày con chết nếu con từ 2 tháng tuổi trở lên.

Về thời gian hưởng chế độ nếu sau khi sinh con mà mẹ chết, trước đây luật quy định thời gian hưởng là cho đến khi con đủ 4 tháng tuổi. Luật Bảo hiểm xã hội mới quy định thời gian hưởng chế độ thai sản trong trường hợp này là thời gian nghỉ thai sản còn lại của người mẹ.

Trường hợp mẹ không đủ điều kiện được hưởng chế độ thai sản khi sinh con thì cha, người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi con đủ 6 tháng tuổi. Nếu cha, người trực tiếp nuôi không nghỉ việc thì ngoài tiền lương còn được hưởng chế độ thai sản với thời gian còn lại của mẹ theo quy định.

Trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.

* Người mang thai hộ cũng được nghỉ thai sản

Nghị định số 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2016:

- Từ 01/01/2016, lao động nữ mang thai hộ đang đóng BHXH bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản, trong thời gian mang thai được nghỉ việc năm ngày để đi khám thai; khi sinh con được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng hai lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ mang thai hộ sinh con;

Được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến ngày giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật BHXH (sáu tháng).

- Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ hoặc thời điểm đứa trẻ chết mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì lao động nữ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hằng tuần. Đặc biệt, người chồng của lao động nữ mang thai hộ cũng được hưởng chế độ nghỉ thai sản như bình thường.

6. Điều chỉnh cách tính lương hưu

Theo Điều 55, 56 của Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13, quy định: 

- Tỉ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 của Luật BHXH năm 2014 được tính như sau:

Người lao động nghỉ hưu từ ngày 01/01/2016 đến trước ngày 01/01/2018, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.

Lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 01/01/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

Lao động nam nghỉ hưu từ ngày 01/01/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

- Mốc tuổi để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi làm cơ sở tính giảm tỷ lệ hưởng lương hưu được xác định như sau:

Người lao động làm việc trong điều kiện bình thường thì lấy mốc tuổi để tính là đủ 60 tuổi đối với nam và đủ 55 tuổi đối với nữ. Người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì lấy mốc tuổi để tính là đủ 55 tuổi đối với nam và đủ 50 tuổi đối với nữ. Người lao động làm công việc khai thác than trong hầm lò thì lấy mốc tuổi để tính là đủ 50 tuổi.

Về điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động: Nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu. Để được hưởng chế độ này, mỗi năm độ tuổi tăng thêm một tuổi, đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Từ năm 2016 đến trước năm 2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ mỗi năm tiếp theo tính thêm 2% đối với nam; 3% đối với nữ, nhưng mức tối đa là 75%.  

7. Phụ cấp đặc thù cho giáo viên tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập

Nghị định số 113/2015/NĐ-CP ngày 09/11/2015 của Chính phủ về phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, quy định:  

- Nhà giáo chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập dành riêng cho người khuyết tật hoặc lớp học dành riêng cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, được hưởng: Phụ cấp trách nhiệm công việc mức 0,3 so với mức lương cơ sở và phụ cấp ưu đãi giảng dạy người khuyết tật mức 70% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

- Nhà giáo không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các lớp học dành riêng cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, được hưởng: Phụ cấp trách nhiệm công việc mức 0,3 so với mức lương cơ sở và phụ cấp ưu đãi giảng dạy người khuyết tật mức 40% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

- Nhà giáo chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các lớp hòa nhập cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc mức 0,2 so với mức lương cơ sở và phụ cấp ưu đãi giảng dạy người khuyết tật gồm các mức như sau:

+ Mức 35% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với lớp hòa nhập có từ 5% đến dưới 10% học viên là người khuyết tật;

+ Mức 40% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với lớp hòa nhập có từ 10% đến dưới 20% học viên là người khuyết tật;

+ Mức 45% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với lớp hòa nhập có từ 20% đến dưới 30% học viên là người khuyết tật.

- Nhà giáo vừa dạy lý thuyết, vừa dạy thực hành là nghệ nhân ưu tú trở lên hoặc người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập sẽ được hưởng phụ cấp đặc thù bằng 10% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Phụ cấp đặc thù được trả cùng kỳ lương hằng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm.

 

Công đoàn Giáo dục Việt Nam

  


Các tin khác
Tổng hợp số liệu đăng ký thi đua năm học 2015 - 2016 (30/11/2015)
Thông báo Kết quả xét khen thưởng năm học 2014 - 2015 của Hội đồng Thi đua khen thưởng CĐGD Việt Nam (24/07/2015)
Tổng hợp các tài liệu báo cáo tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn Việt Nam, Nghị quyết Đại hội XIV Công đoàn Giáo dục Việt Nam (01/11/2013)
Quyết định Về việc ban hành các chương trình hoạt động của Ban Chấp hành Công đoàn Giáo dục Việt Nam khóa XIV, nhiệm kỳ 2013 - 2018 (24/10/2013)
Quyết định Ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn Giáo dục Việt Nam (10/09/2013)
Hướng dẫn thực hiện Kết luận số 55-KL/TW của Ban Bí thư (Khoá XI) (17/05/2013)
TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG VÀ GIẢM NHẸ THIÊN TAI TRONG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, NHÀ GIÁO VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG NGÀNH GIÁO DỤC (Bài này đã đăng trên Tạp chí Lao động và Công đoàn số 498 - kỳ 2 tháng 4/2012) (26/04/2012)
Phát động phong trào thi đua trong ngành Giáo dục & Đào tạo, giai đoạn 2010 - 2015 (22/10/2010)
Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động lớn trong ngành, động viên đội ngũ Nhà giáo phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học mới. (PGS. TS Trần Công Phong - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam) (30/07/2010)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 17599986
Online: 342
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn