logo Tư vấn pháp luật Trao đổi kinh nghiệm

Nhà giáo và lao động ngành Giáo dục nửa nhiệm kỳ phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội X Công đoàn Việt Nam và Đại hội XIII Công đoàn Giáo dục Việt Nam
(12:00, 28/09/2011)

NHÀ GIÁO VÀ LAO ĐỘNG NGÀNH GIÁO DỤC NỬA NHIỆM KỲ

PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI X CÔNG ĐOÀN

VIỆT NAM VÀ ĐẠI HỘI XIII CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM

 

                                                                               TS. Phạm Văn Thanh

                                                               Phó chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam

 

1. Trong nửa nhiệm kỳ (5/2008 - 8/2011), tổ chức thực hiện nghị quyết của Đại hội X Công đoàn (CĐ) Việt Nam và Đại hội XIII Công đoàn Giáo dục (CĐGD) Việt Nam có những thuận lợi cơ bản là tình hình chính trị - xã hội của đất nước ổn định, quốc phòng an ninh giữ vững, nền kinh tế tăng trưởng khá. Sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tiếp tục được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm. Ngành Giáo dục tiếp tục đổi mới về công tác quản lý, chăm lo xây dựng đội ngũ, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và đổi mới phương pháp giảng dạy; chất lượng giáo dục và đào tạo đã có nhiều chuyển biến tích cực, những điều kiện phục vụ cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo ngày càng tốt hơn.

Tuy nhiên, trong 3 năm qua do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, giá cả tăng cao, lạm phát kéo dài, khí hậu diễn biến phức tạp, lũ lụt, mưa bão, dịch bệnh xảy ra ở nhiều địa phương đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống của các tầng lớp nhân dân và sự nghiệp GD&ĐT. Giáo viên mầm non, giáo viên trẻ mới vào nghề có thu nhập thấp đời sống còn gặp nhiều khó khăn; một số ít nhà giáo chưa nhiệt tình, chưa an tâm công tác.

2. Trong bối cảnh đó, dưới lãnh đạo, chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT, CĐGD Việt Nam tổ chức, chỉ đạo, động viên đội ngũ nhà giáo và lao động trong ngành phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội X CĐ Việt Nam và Nghị quyết CĐGD các cấp đạt được những kết quả quan trọng.

- Về vông tác chỉ đạo, CĐGD Việt Nam bám sát các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính sách của Nhà nước, các Nghị quyết của Tổng LĐLĐ Việt Nam và nhiệm vụ chính trị của Ngành để cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch và hướng dẫn CĐGD các cấp tổ chức thực hiện và có tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả việc thực hiện các chương trình, kế hoạch đó. Sự phối hợp công tác và chỉ đạo những hoạt động chung giữa CĐGD Việt Nam với Bộ GD&ĐT và với LĐLĐ các tỉnh, thành phố tiếp tục được củng cố và hoàn thiện, tạo điều kiện cho CĐGD các cấp hoạt động mang tính ngành nghề sâu sắc. Ban Chấp hành CĐGD các cấp có tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình, gương mẫu hoàn thành nhiệm vụ được phân công trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghị quyết CĐ ở đơn vị mình.

- Thực hiện có hiệu quả chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo và lao động trong ngành. Phối hợp với Bộ GD&ĐT, CĐGD Việt Nam tích cực tham gia xây dựng các văn bản về chế độ, chính sách mới và tổ chức tuyên truyền, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước và của Ngành liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ nhà giáo. Trọng tâm là những chính sách tiền lương, tiền thưởng, chế độ phụ cấp, chế độ lao động, BHXH, HBYT, phụ cấp ưu đãi, tiền dạy thêm giờ, chế độ nghỉ hưu, nghỉ chế độ theo Nghị định 132/NĐ-CP của Chính phủ, phụ cấp thâm niên nhà giáo theo Nghị định số 54/2011/NĐ-CP, ngày 4/7/2011, v.v.

CĐGD các cấp tích cực tham gia tổ chức tốt hội nghị cán bộ, công chức hàng năm, xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, nội quy, quy chế hoạt động cơ quan, đơn vị và thực hiện công khai dân chủ, minh bạch tài chính là những vấn đề thiết thực gắn liền với nghĩa vụ, quyền lợi, nên đã được sự ủng hộ nhiệt tình của nhà giáo và lao động. Công tác bảo hộ lao động được quan tâm và tổ chức thực hiện tốt ở các cơ sở trường học và đơn vị giáo dục; lồng ghép với phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp”, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và phong trào xây dựng trường chuẩn quốc gia. Tổ chức tuyên truyền hưởng ứng tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động, ngày môi trường thế giới.

CĐGD các cấp tổ chức chăm lo và tự chăm lo về đời sống vật chất và tinh thần cho nhà giáo và lao động trong ngành; tạo điều kiện giúp nhà giáo vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế gia đình, mua sắm trang thiết bị làm việc; kịp thời trợ cấp khó khăn và thăm hỏi hiếu hỷ, giúp đỡ đoàn viên khi đau ốm, tại nạn rủi ro và thiên tai lũ lụt. Trong hai năm 2009 và 2010, lũ lụt lớn xảy ra ở các tỉnh miền Trung, CĐGD Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT kịp thời kêu gọi các đơn vị trong ngành hỗ trợ vật chất, góp phần giúp các cơ sở giáo dục trong vùng bị lũ lụt vượt qua khó khăn, nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định việc dạy và học. Riêng đợt lũ lụt tháng 10/2010, CĐGD các cấp đã hỗ trợ cho các đơn vị giáo dục miền Trung được hơn 6 tỷ đồng. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức sôi nổi, rộng khắp và có hiệu quả ở các đơn vị trường học vào dịp các ngày lễ lớn và ngày truyền thống của đơn vị. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập CĐGD Việt Nam; ngành Giáo dục đã tổ chức “Liên hoan tiếng hát giáo viên toàn quốc lần thứ ba, năm 2011” từ ngày 15/4 đến 24/4 với sự tham gia của 112 đoàn văn nghệ quần chúng. Hoạt động tham quan, du lịch trao đổi kinh nghiệm công tác CĐ được đẩy mạnh.

- Thực hiện có hiệu quả chương trình nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Bằng nhiều hình thức hoạt động đa dạng, phong phú, CĐGD các cấp tuyên truyền, vận động nhà giáo và lao động trong ngành nâng cao nhận thức về tình hình, nhiệm vụ của đất nước, của ngành, nâng cao bản lĩnh chính trị, tiếp tục đổi mới sự nghiệp GD&ĐT. Tiêu biểu là đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (2010); 80 năm ngày thành lập CĐ Việt Nam (2009); 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh 2010); kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội (2010); Đại hội Đảng lần thứ XI, bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp (2011). Phong trào tìm hiểu về Đảng, Bác Hồ, CĐ Việt Nam diễn ra rất sôi nổi và rộng khắp trong đội ngũ nhà giáo trên cả nước.

Đội ngũ nhà giáo có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, giữ gìn nhân cách, sống gương mẫu, lành mạnh, tích cực tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, năng lực sư phạm ngày càng được nâng cao và đã tiếp cận nhanh về đổi mới nội dung, phương pháp dạy học. Hàng năm, trong ngành kết nạp được từ 2 vạn đến 3 vạn đảng viên mới. Riêng năm học 2010-2011, toàn ngành kết nạp đươc 33.070 đảng viên. Nhiều tỉnh tỷ lệ đảng viên trong đội ngũ nhà giáo đạt 40% và có tỉnh tỷ lệ này hơn 50%, nhưầngnhf giáo dục Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Đến năm 2010, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và lao động trong toàn ngành có khoảng trên 1,3 triệu người. Trong đó, trực tiếp giảng dạy ở Mầm non có 211.225 giáo viên, ở phổ thông có 818.544 giáo viên, ở Giáo dục chuyên nghiệp có 18.085 giáo viên và ở Giáo dục đại học có 74.570 giảng viên. So với năm học 2008-2009 tổng số nhà giáo trong toàn ngành tăng 80.033 người. Tỷ lệ nhà giáo đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo ngày càng tăng: Giáo viên Mầm non là 92,89%, so với thời điển đại hội XIII CĐGD Việt Nam tăng 10,59%. Tương tự giáo viên Tiểu học là 99,46% (tăng 2,29%); giáo viên Trung học cơ sở là 98,48% (tăng 1,31%); giáo viên Trung học phổ thông là 99,14% (tăng 1,97%). Trong các trường cao đẳng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ là 2,48% (tăng 2,35%); có trình độ thạc sĩ là 31,79% (tăng 4,68%). Trong các trường đại học, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ là 14,4% (tăng 832 tiến sĩ; có trình độ thạc sĩ là 44,88% (4,53%).

CĐGD Việt Nam còn phối hợp với Bộ GD&ĐT, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Hội nhà văn Việt Nam tổng kết và trao giải thưởng cuộc thi viết về nhà giáo trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước (2008); đồng thời tiếp tục phát động cuộc thi viết “Câu chuyện tình huống đạo đức và pháp luật” nhằm góp phần giáo dục và rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức thực hiện pháp luật và lối sống cho đội ngũ nhà giáo và lao động trong các nhà trường.

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động mang tính xã hội rộng lớn trong ngành. CĐGD các cấp tiếp tục duy trì và đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm, nghiên cứu khoa hoc, chuyển giao công nghệ; tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi, đổi mới phương pháp dạy và học, sử dụng có hiệu quả các thiết bị dạy học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính. Phong trào thi đua yêu nước được lồng ghép với các phong trào và cuộc vận động khác. Tổ chức tốt phong trào“Giỏi việc trường – Đảm việc nhà”, lồng ghép với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” dựa trên cơ sở 5 chuẩn mực của người phụ nữ trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước; cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn liền với cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và cuộc vận động “Hai không”. Cuộc vận động “Quyên góp sách vở, đồ dùng học tập, áo ấm giúp học sinh và giáo viên miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn” đã được thực hiện tốt. Kết quả đã quyên góp được hơn 104 tỷ đồng, xây dựng được 59.796 m2 nhà ở công vụ cho giao viên, gần 7 triệu quyển sách giáo khoa, sách tham khảo, vở viết, hàng triệu chiếc quần áo và nhiều hiện vật khác. 

Trong phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến xuất sắc, tiêu biểu ở các cấp học, bậc học và ở các vùng, miền. Ngành Giáo dục – Đào tạo vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai (10/2010) và trong nửa nhiệm có 8 tập thể và 65 cá nhân được tặng thưởng danh hiệu anh hùng lao động, 85 CSTĐ toàn quốc, 233 nhà Nhà giáo Nhân dân và 1877 Nhà giáo Ưu tú.

- Công tác kiểm tra, bồi dưỡng cán bộ CĐ, kết nạp đoàn viên được đẩy mạnh, góp phần thực hiện đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐGD các cấp, xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền đơn vị. CĐGD Việt Nam đã tổ chức kiểm tra tại 37 đơn vị CĐ; trong đó có 20 đơn vị CĐ khối các trường đại học, cao đẳng và đơn vị trực thuộc; 07 CĐ trường ngoài công lập và 10 đơn vị CĐGD các tỉnh, thành phố. Kết quả kiểm tra cho thấy CĐGD các cấp cơ bản đã thực hiện tốt các Nghị quyết của CĐ cấp trên, góp phần tích cực vào hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành. Tổ chức 10 lớp bồi dưỡng cho 1.190 cán bộ CĐ với 10 chuyên đề về công tác tài chính, công tác kiểm tra, công tác văn phòng và công tác nghiệp vụ, lý luận cho cán bộ CĐ chủ chốt làm báo cáo viên về mở lớp tại các CĐ cơ sở. Trong nửa nhiệm, toàn ngành đã kết nạp được 194.225 đoàn viên mới.

- CĐGD Việt Nam dã chủ động tăng cường mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các tổ chức CĐGD các nước trong khu vực và trên thế giới; tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy đối ngoại, hợp tác với CĐGD các nước ASEAN, CĐGD thế giới (EI), CĐ khối cộng đồng các nước nói tiếng Pháp. Tháng 12/2009, CĐGD Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Giáo giới các nước ASEAN lần thứ 25 tại Việt Nam - là một trong 12 sự kiện nổi bật của Ngành giáo dục - năm 2009. Ngoài ra, CĐGD các cấp, CĐ các trường học phối hợp với nhà trường tổ chức cho đội ngũ nhà giáo tham quan, giao lưu, học tập kinh nghiệm hoạt động CĐ với tổ chức CĐ giáo giới các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần mở rộng hình thức hoạt động đối ngoại nhân dân theo đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước

Với những thành tich nổi bật trong nhiều năm qua và những năm gần đây, nên CĐGD Việt Nam vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng nhất lần thứ hai, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập của mình (22/7/1951 – 22/7/2011); Chính phủ tặng thưởng Cờ thi đua - năm 2010; Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Cờ thi đua - năm 2010.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao tặng Huân chương độc lập hạng nhất lần thứ hai
                               cho Công đoàn Giáo dục Việt Nam, ngày 22/7/2011
           

             Tuy nhiên, việc triển khai, thực hiện Nghị quyết CĐ các cấp còn có những hạn chế và bất cập. Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết và các hoạt động CĐ không đồng đều giữa các vùng, miền và các khối trường. Một số chỉ tiêu còn quá cao so với thực tiễn tổ chức thực hiện, như 100% giáo viên Mầm non đạt trình độ chuẩn, 20% giáo viên THPT có trình độ thạc sĩ, 25% giảng viên trong các trường đại học và cao đẳng có trình độ tiến sĩ; 100% nhà giáo và lao động trong ngành sử dụng công nghệ thông tin; 95% CĐCS trực thuộc đạt CĐCS vững mạnh, v.v.

 Nguyên nhân của những tồn tại nói trên là do CĐGD các cấp, CĐCS trường học chưa chủ động, sáng tạo, trong việc lựa chọn nội dung, phương pháp hoạt động cho phù hợp với đơn vị mình, nên hiệu quả công tác CĐ chưa cao. Sự phối hợp giữa CĐGD với LĐLĐ ở một số địa phương còn lúng túng, chưa thật sự quán triệt đặc điểm ngành nghề của đội ngũ nhà giáo; vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức CĐ ngành nghề. Đội ngũ cán bộ CĐCS trường học hầu hết kiêm nhiệm, thay đổi thường xuyên qua các kỳ đại hội. Chế độ đãi ngộ cán bộ CĐGD các cấp còn có những điểm bất hợp lý, nên việc tạo nguồn cán bộ giỏi cho CĐGD các cấp đang gặp nhiều khó khăn. Kinh phí hoạt động của CĐGD các cấp còn hết sức hạn hẹp.

3. Căn cứ vào Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội X CĐ Việt Nam, nhiệm vụ chính trị của Ngành Giáo dục trong giai đoạn mới và từ kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại nói trên, CĐGD Việt Nam tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện mục tiêu và các nhiệm vụ chủ yếu sau đến kết thúc nhiệm kỳ (2008 - 2013):

            - Mục tiêu: Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp, tác phong hoạt động CĐ, xây dựng tổ chức công đoàn và đội ngũ đoàn viên, nhà giáo ngày càng vững mạnh, góp phần cùng với Ngành Giáo dục thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT theo nhu cầu phát triển của xã hội. Tham gia đổi mới quản lý giáo dục các cấp một cách mạnh mẽ, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo theo nhu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với đặc thù của ngành là thực hiện cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua ”Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực".

- Để thực hiện mục tiêu trên cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhà giáo và lao động không ngừng nâng cao phẩm chất đạo đức và bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, nâng cao năng lực giảng dạy, chất lượng hiệu quả góp phần đổi mới GD&ĐT. Trọng tâm là tổ chức cho đội ngũ nhà giáo và lao động học tập, quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội khoá XIII về nhiệm vụ GD&ĐT; Chương trình hành động của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bộ GD&ĐT và CĐGD Việt Nam về triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. CĐ các trường học phối hợp với nhà trường tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ năm học mới 2011-2012, theo Chỉ thị số 3398/CT-BGDĐT, ngày 12/8/2011, của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Hai là,  thực hiện tốt công tác chăm lo và tự chăm lo đời sống nhà giáo và lao động, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của nhà giáo và lao động. Tham gia xây dựng và góp ý vào các văn bản qui phạm pháp luật; Chiến lược phát triển giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Công đoàn sửa đổi, Luật Lao động sửa đổi, Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo; đề án đổi mới chương trình và nội dung sách giáo khoa sau năm 2015.

Ba là, tiếp tục triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn của ngành như cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" theo Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị gắn với cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" và phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng tạo động lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành. Đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành hoạt động CĐGD các cấp trong hệ thống theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin.

Bốn là, hướng về cơ sở, đổi mới nội dung phương thức tổ chức, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐGD các cấp nhằm thực hiện hiệu quả chức năng và nhiệm vụ của tổ chức CĐ trong tình hình mới. Phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương và trách nhiệm, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, đẩy mạnh hoạt động của ủy ban kiểm tra CĐ, thanh tra nhân dân. Mở rộng hoạt động từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, tích cực đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội, thực hiện nghiêm túc luật phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí trong các trường học và đơn vị giáo dục.

Năm là, CĐGD các cấp phối hợp với chuyên môn tiếp tục chỉ đạo thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện “Qui chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân”; Nghị định của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Sáu là, tiếp tục giữ vững, mở rộng quan hệ quốc tế theo đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Tổng LĐLĐ Việt Nam, tham gia đầy đủ Hội nghị thường niên của Hội đồng Giáo giới các nước ASEAN (ACT). Tổ chức tốt các hoạt động tham quan, duc lịch, trao đổi kinh nghiệm hoạt động CĐ.

Tài liệu tham khảo:

- Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG - ST, Hà nội – 2011.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ V – Năm 2010, Hà nội – 2010.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chỉ thị số 3398/CT-BGDĐT, về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2011-2012, ngày 12/8/2011.

- CĐGD Việt Nam, Tài liệu hội nghị sơ kết nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết đại hội X CĐ Việt Nam và Đại hội XIII CĐGD Việt Nam, Hà nội 7/2011.

 

  


Các tin khác
Nhân kỷ niệm 66 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, xin trân trọng giới thiệu bài viết: "Tầm vóc lịch sử và hiệu ứng xã hội của cách mạng tháng Tám năm 1945" của GS.TS Hoàng Chí Bảo, Hội đồng Lý luận Trung ương: (18/08/2011)
KỈ NIỆM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ (27/7/1947 - 27/7/2011) (27/07/2011)
Lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo “Chương trình các môn học” (01/11/2010)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 17757151
Online: 1760
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn