logo Chuyên đề Gương Nhà giáo và Người lao động

NGƯỜI ÂM THẦM TIẾP THÊM TRI THỨC
(15:49, 07/01/2016)

Mỗi lần đến chơi, tôi thường thấy Chị Nhân Thị Nga bận rộn luôn tay với công việc bếp núc, vườn tược và dọn dẹp nhà cửa. Nhiều lúc tôi hay băn khoăn tự hỏi, đâu là con người thật của chị “Một người lãnh đạo mẫu mực hay một người phụ nữ đời thường?” Thường thì hiếm ai trọn vẹn được cả hai vị trí đó. Nhưng chị lại làm được và làm tốt điều mà mọi người cho là khó đó. Điều này khiến tôi luôn khâm phục và ngưỡng mộ chị. Có lần tôi hỏi bí quyết, chị cười, đáp: “Luôn học hỏi và hoàn thiện bản thân. Học sẽ giúp mở ra mọi cánh cửa”.

Nhìn chị thành đạt và hạnh phúc, ít ai biết rằng chị đã trải qua tuổi thơ vất vả và khó khăn đến thế nào. Chị sinh ra và lớn lên ở khu căn cứ địa cách mạng của tỉnh Tuyên Quang, nơi mà nhìn đâu cũng thấy tre nứa. Gia đình chị cũng như bao đồng bào người Dao, người Tày ở đây đều chung một điểm: “nghèo”. Cô bé người Dao là chị, 11 tuổi sớm mồ côi mẹ, sống với bà ngoại và bác dâu. Tuổi thơ chị khao khát một trận đòn roi của mẹ mà không có. Chị may mắn được học 9 năm ở trường Rẻo Cao Tuyên Quang. Chính tình yêu thương của thầy cô, bạn bè cùng với tre nứa quê hương và cơm gạo của Đảng đã nuôi và giúp chị trưởng thành. Khi kể về tuổi thơ của mình, chị tâm sự: “Mình sống và trưởng thành được đều nhờ ơn Đảng và Nhà nước. Lúc đó, đối với mình, học là lối thoát duy nhất”. Để được tiếp tục đi học sau khi mẹ mất, chị đã phải nói dối bà ngoại là không được lên lớp, phải tiếp tục ở lại trường để học. Vì “học là lối thoát duy nhất” nên chị đã dồn hết sức lực cho việc học. Hết lớp 9 ở Trường Rẻo Cao Tuyên Quang, chị tiếp tục học cấp III ở trường Vùng cao Việt Bắc, rồi học Đại học Sư phạm Thái Nguyên, chuyên ngành Toán học. Suốt bao nhiêu năm đi học là bấy nhiêu năm chị sống tự lập. Chính trường đời đã dạy chị biết bao bài học về cuộc sống.

Sau khi tốt nghiệp đại học, chị lên Hà Giang nhận công tác tại Trường PTCS xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn, rồi lập gia đình. Chị cảm thấy mình may mắn khi làm dâu trong một gia đình người Mông tiến bộ. Gia đình chồng luôn ủng hộ, động viên con trai, con dâu học tập, phấn đấu. Vì thế, trong những năm công tác, chị cùng chồng vừa làm việc, vừa nuôi con, vừa tiếp tục học tập. Với những nỗ lực không ngừng, năm 1997 chị được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng trường PTDT Nội trú huyện Đồng Văn và chỉ 1 năm sau chị được bổ nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng của trường. Không ngại khó khăn vất vả, chị tiếp tục học cử nhân chính trị với mong muốn phát triển hơn nữa công tác giáo dục của nhà trường, phù hợp với đặc thù của trường học vùng cao, vùng biên. Cuối năm 2002, để có điều kiện chăm sóc gia đình và động viên chồng tham gia học lớp Cao cấp chính trị ở Hà Nội, chị xin chuyển về trường THPT Ngọc Hà. Tại đơn vị công tác mới, với tinh thần học hỏi, cầu tiến, chị luôn nhận được sự tin yêu của đồng nghiệp và cán bộ lãnh đạo. Năm 2005, chị được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó hiệu trưởng. Không dừng lại ở đó, Chị tiếp tục vừa làm, vừa học Thạc sĩ chuyên ngành Quản lí Giáo dục. Chị thường trăn trở: “Làm thế nào xây dựng môi trường văn hoá học tập trong nhà trường?” Đó cũng là đề tài mà chị đã dày công nghiên cứu, ứng dụng và bảo vệ thành công. Hiện nay, chị đã được công nhận là Thạc sĩ Khoa học Quản lí giáo dục.

Là người coi việc học là sự nghiệp cả đời, chị hiểu rõ tầm quan trọng của việc khuyến học, khuyến tài đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển xã hội. Vì thế, với cương vị Phó hiệu trưởng, Chủ tịch công đoàn trường, Phó chủ tịch Hội khuyến học nhà trường, chị luôn dành sự quan tâm phát triển công tác khuyến học ở nhà trường và nơi cư trú. Nhà trường đã xây dựng quỹ khuyến học và hoạt động hiệu quả, góp phần đẩy mạnh phong trào dạy tốt, học tốt. Với sự quan tâm, giúp đỡ của quỹ khuyến học nhà trường, nhiều em học sinh vùng khó khăn đã được tiếp tục đến trường. Quỹ cũng dành nhiều xuất học bổng và quà tặng cho những em học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập và tu dưỡng đạo đức. Nhờ sự động viên kịp thời mà phong trào học tập của học sinh Trường THPT Ngọc Hà trong những năm gần đây phát triển mạnh mẽ. Số học sinh giỏi, học sinh đoạt giải học sinh giỏi các cấp ngày càng nhiều. Không chỉ quan tâm tới học sinh, Hội khuyến học nhà trường còn luôn động viên cả về vật chất lẫn tinh thần đối với con em và cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường. Để nâng cao hoạt động dạy của nhà trường, Hội khuyến học đã tổ chức nhiều đợt tham quan học hỏi kinh nghiệm ở các đơn vị bạn, khuyến khích cán bộ, giáo viên trong trường tham gia học tập nâng cao trình độ.

Khi được hỏi về đồng chí Nhân Thị Nga - Phó bí thư Chi bộ, Phó hiệu trưởng,  Chủ tịch công đoàn trường, Phó chủ tịch Hội Khuyến học nhà trường, đồng chí Nguyễn Tuấn Hưng - Phó hiệu trưởng, Chủ tịch Hội khuyến học nhà trường cho biết: “Đồng chí Nga là người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục. Do đặc thù trường THPT Ngọc Hà đa số là học sinh các xã vùng khó khăn như: Thuận Hoà, Minh Tân, Tùng Bá, Phong Quang nên việc duy trì, ổn định sĩ số đã là rất khó chứ chưa nói gì đến thành tích học tập của các em. Vậy nên đồng chí Nga luôn sát sao cùng các đồng chí giáo viên chủ nhiệm quan tâm và sớm phát hiện những em học sinh có ý định bỏ học, kịp thời động viên, giúp đỡ để các em tiếp tục đến trường”.

Ở tổ 11, phường Minh Khai, không có cháu học sinh nào không yêu quý chị. Với tấm lòng người mẹ, chị luôn ân cần thăm hỏi, giúp đỡ các cháu có hoàn cảnh khó khăn, tặng quà cho các cháu học sinh giỏi và các cháu đoạt giải trong các kì thi học sinh giỏi các cấp.

Chị không chỉ “giỏi việc nước”, mà còn rất “đảm việc nhà”, chị luôn là người giữ và truyền ngọn lửa hiếu học đến từng thành viên trong gia đình. Biết công việc của chồng bận rộn, trách nhiệm công việc cao nên chị luôn động viên và sắp xếp chu đáo việc gia đình, dòng họ để anh yên tâm công tác và học tập. Anh Hầu Văn Lý - chồng chị là một đồng chí công an hết lòng vì sự nghiệp bảo vệ an ninh nhân dân và cũng là một người H.Mông ham học hỏi. Với anh “học là để làm việc tốt hơn”. Vì thế những thành tích mà anh đạt được cũng nhiều thêm theo năm tháng: từ một chiến sỹ công an đến phó công an huyện Đồng Văn, rồi Trưởng phòng PA 38 Công an tỉnh Hà Giang, anh đã học Cao cấp chính trị tại Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh và  được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó giám đốc Công an tỉnh. Năm 2009 – 2011 anh hoàn thành khoá học Thạc sĩ tại Học viện An ninh nhân dân. Khi kể về những thành tích của chồng, tôi thấy đôi mắt chị ánh lên niềm tự hào nhưng tôi đọc thấy phía sau là biết bao lo toan, vun vén của chị.

Chị luôn tạo điều kiện tốt nhất để hai cô con gái có điều kiện học tập và tham gia các hoạt động xã hội. Với chị, học kiến thức trong nhà trường là rất quan trọng và học kĩ năng sống cũng quan trong không kém, nhất là trong xã hội hiện đại ngày nay. Vì thế, vào những dịp hè, chị để hai cô con gái được tự lựa chọn những khoá học, những hoạt động mà chúng yêu thích như: Chúng em tập làm chiến sĩ; Thanh niên tình nguyện vì Hà Giang phát triển… Chị nhận thấy các con trưởng thành hơn, chín chắn hơn sau những khoá học xa nhà, sống tự lập và tham gia vào các hoạt động cộng đồng như vậy. Cô con gái cả, cháu Hầu Tuyết Ngân nay đã là sinh viên năm thứ 3 của trường Đại học Luật Hà Nội; con gái út, cháu Hầu Hạnh Nguyên có thành tích 9 năm liền là học sinh giỏi, giải nhất kì thi học sinh giỏi Văn toàn tỉnh. Tháng 5 vừa qua Nguyên còn vinh dự được Chủ tịch Tỉnh tặng quà, được về thủ đô Hà Nội báo công với Bác Hồ và tiếp chuyện Phó Chủ tịch nước.

Với những thành tích mà từng thành viên đã đạt được, năm 2012 gia đình chị vinh dự được công nhận danh hiệu Gia đình hiếu học cấp phường và Dòng họ hiếu học cấp Thành phố. Gia đình chị xứng đáng được công nhận là “Gia đình thạc sỹ”.

Nhìn những tấm bằng khen, giấy khen đặt ngay ngắn trong khung kính dùng trang trí trong nhà, tôi càng thêm ngưỡng mộ gia đình chị. Nhưng tôi tự hỏi: “Sao trong số đó không có cái nào mang tên chị?” Bởi đối với chị, thành tích của bản thân chưa có gì đáng kể, chồng và các con là lẽ sống và niềm tự hào. Tôi được biết thêm một đức tính nữa của chị, đó là sự khiêm nhường. Tôi bỗng ngộ ra một chân lí: “Người ta không thể rót thêm nước vào cái chén đã đầy; chỉ những người biết làm vơi đi chén tri thức đã cũ mới có thể tiếp nhận thêm nhiều bài học mới”.

      Chu Thị Việt Anh - Giáo viên Trường THPT Ngọc Hà - Hà Giang

                                                                                     Hà Giang, tháng 03 năm 2013

CÔNG ĐOÀN NGÀNH GIÁO DỤC HÀ GIANG

  


Các tin khác
NGHĨA TRANG LIỆT SĨ GIÁO DỤC TẠI TÂY NINH (22/12/2015)
(VNEXPRESS) - Việt Nam có nữ giáo sư Toán học thứ hai (03/11/2015)
(GD&TĐ) - Những bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa nhà giáo (08/05/2014)
Tôn vinh nhà giáo Việt Nam (18/11/2013)
Biểu dương, tôn vinh nhà giáo tiêu biểu giai đoạn 2008 – 2013 (14/11/2013)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 17714452
Online: 2059
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn