logo Chuyên đề Công tác nữ công, giới

(ND)Góp phần hiệu quả vào sự nghiệp ''trồng người''
(09:09, 22/05/2018)
Với phương châm ở đâu có giáo viên khó khăn, ở đó có công đoàn đồng hành, nhiều năm qua, các cán bộ công đoàn ngành Giáo dục đã ghi dấu chân của mình trên khắp mọi miền Tổ quốc. Xã hội càng phát triển, mối quan hệ thầy - trò cũng sẽ có những chuyển biến mới, đòi hỏi cán bộ công đoàn ngành Giáo dục cần đổi mới, sáng tạo, thực chất trong hoạt động, trở thành cầu nối vững chắc giữa giáo viên, học sinh, cơ quan quản lý, đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp “trồng người”.
 
Trong nhiệm kỳ vừa qua, công đoàn Giáo dục (CĐGD) tập trung vào ba nhiệm vụ tâm huyết, đó là cùng với chuyên môn thực hành dân chủ trong trường học; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhà giáo, người lao động (NLĐ) trong ngành, nhất là các nhà giáo đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; tham gia vào quá trình phát triển nhà trường, động viên nhà giáo tham gia vào quá trình này.
 
Mười năm trở lại đây, CĐGD huy động được hàng trăm tỷ đồng, xây dựng hàng nghìn nhà công vụ, công trình nước sạch, hỗ trợ trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cho giáo viên ở vùng sâu, vùng xa. Từ năm 2015, CĐGD đổi mới hình thức triển khai cuộc vận động quyên góp xây dựng nhà công vụ, giúp đỡ nhà giáo, NLĐ vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn. Kết quả, trong 5 năm đã huy động được hơn 700 tỷ đồng, xây dựng 1.687 nhà công vụ giáo viên, hỗ trợ NLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Thấu hiểu sự thiếu thốn tinh thần, vật chất của giáo viên vùng sâu, vùng xa, nhiều năm qua, CĐGD đã tổ chức đón Tết sớm cho các thầy giáo, cô giáo cắm bản; ký kết với doanh nghiệp tạo điều kiện cho giáo viên được mua hàng giảm giá; huy động đóng góp cho giáo dục các tỉnh bị thiên tai. Đợt mưa lũ cuối năm 2017, Công đoàn ngành đã huy động được gần năm tỷ đồng, hỗ trợ các cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng mưa lũ.
 
CĐGD đã tham gia diễn đàn của Truyền hình Quốc hội về việc chấm dứt hợp đồng lao động hàng loạt đối với giáo viên năm 2015; tổ chức nhiều diễn dàn, cuộc thi viết về các nhà giáo; tham gia diễn đàn “Đối thoại cuối tuần” của Đài Tiếng nói Việt Nam với chủ đề “Giáo viên trong thời đại hiện nay - những áp lực vô hình”, qua đó, những tấm gương nhà giáo tiêu biểu được phát hiện, nhân rộng, tạo hiệu ứng tốt trong dư luận xã hội. Có thể kể tới tập thể 44 thầy giáo ở Trường tiểu học Tri Lễ ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An) vượt qua khó khăn, quyết tâm bám trường lớp, dạy chữ cho các em học sinh vùng núi cao, được lựa chọn là nhân vật tiêu biểu nhận giải Ấn tượng VTV 2017. Cũng từ đó, CĐGD kêu gọi công đoàn Trường đại học Bách Khoa Hà Nội ủng hộ sáu bộ máy tính, lắp sáu hệ thống điện năng lượng mặt trời, một đường cấp nước sạch, tặng các thầy giáo Trường Tri Lễ.
 
Thời gian qua xảy ra một số vụ xâm phạm tới nhân phẩm, danh dự, uy tín nhà giáo, hoặc vụ chấm dứt hàng loạt hợp đồng lao động đối với giáo viên khiến dư luận bức xúc. CĐGD đã chủ động nhận định tình hình, phát hiện vấn đề và chủ động giải quyết trong phạm vi chức năng, quyền hạn, hoặc đề xuất các cơ quan chức năng. Khi xảy ra vụ việc, CĐGD ngay lập tức nắm bắt, gửi công văn cấp ủy, chính quyền, Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương đề nghị xử lý nghiêm. Đồng thời, cử cán bộ công đoàn đến thăm, động viên giáo viên, làm việc trực tiếp với các đơn vị để phối hợp, xử lý. Có thể kể tới vụ cô giáo Bùi Thị Cẩm Nhung ở Trường tiểu học Bình Chánh, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức (Long An) bị phụ huynh học sinh bắt quỳ xin lỗi. Vụ cô giáo Cao Thoại Như bị học sinh hành hung; vụ cô giáo phạt học sinh, bị kỷ luật thôi việc ở Hà Nội; vụ cô giáo mầm non bị phụ huynh hành hung dọa xảy thai ở tỉnh Nghệ An, Thái Nguyên; vụ 500 giáo viên hợp đồng ở huyện Krông Pác (tỉnh Đác Lắc) có nguy cơ mất việc…
 
Tuy nhiên, bên cạnh đó, không thể không nhắc tới những vụ việc tiêu cực xảy ra từ chính kỹ năng sư phạm còn thiếu, yếu của giáo viên như: Vụ bắt học sinh uống nước vắt ra từ giẻ lau bảng, thầy giáo đánh học trò, cô giáo lên lớp sáu tháng trong im lặng… Theo chuyên gia giáo dục Nguyễn Ngọc Ân, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hành vi ứng xử không chuẩn mực, thậm chí vi phạm pháp luật của phụ huynh, giáo viên và học sinh. Đó là do lối sống thiếu kỷ cương, không mẫu mực trong việc chấp hành luật pháp, nhận thức pháp luật còn hạn chế. Bên cạnh đó, phần lớn những vụ việc xảy ra xuất phát từ những giáo viên trẻ, mới ra trường, kinh nghiệm, tuổi nghề, kỹ năng hành xử hạn chế. Do đó, khi đối mặt với những áp lực công việc, các tình huống sư phạm phức tạp, bất ngờ dễ bị “ngợp”, bột phát nảy sinh những hành vi thiếu kiểm soát.
 
Thời gian tới, CĐGD sẽ phối hợp tổ chức các khóa tập huấn, các buổi sinh hoạt chuyên đề, lồng ghép các buổi sinh hoạt chuyên môn nhằm nâng cao nhận thức đúng đắn, sâu sắc về nghề dạy học, trang bị những kỹ năng ứng xử sư phạm trong các tình huống với đồng nghiệp, với phụ huynh, nhất là với học sinh. Đôn đốc, nhắc nhở công đoàn nhà trường, tham mưu, đề xuất ban giám hiệu tổ chức các khóa tập huấn lại cho giáo viên các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhưng thời gian qua bị sao nhãng.
 
Nói về phương hướng trong thời gian tới, Chủ tịch CĐGD Việt Nam Vũ Minh Đức nhấn mạnh: Trong năm trụ cột được CĐGD thực hiện trong thời gian tới, chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, nhà giáo, NLĐ, bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín nhà giáo được xác định là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, cách làm có sự thay đổi. Thay vì chạy theo vụ việc như hiện nay, công đoàn chú trọng đến việc làm thế nào để các nhà giáo có kiến thức về pháp luật, tự bảo vệ được mình; có kỹ năng bảo đảm việc làm lâu dài, nâng cao năng lực nghề nghiệp. Các trụ cột tiếp theo là thực hành dân chủ trong trường học; phát huy vai trò công đoàn trong môi trường tự chủ; tham gia nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nhà giáo; xây dựng môi trường làm việc thân thiện, sáng tạo.
 
(ND) HOÀNG HÀ ANH
 

  


Các tin khác
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong các cơ sở giáo dục (14/07/2016)
Đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ nữ cán bộ, nhà giáo và người lao động đáp ứng yêu cầu mới (05/07/2016)
Hướng dẫn Sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 6b/NQ-TLĐ về công tác vận động nữ công nhân, viên chức, lao động thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2010 - 2015 (17/03/2015)
Công văn về việc Khen thưởng chuyên đề “Giỏi việc trường- Đảm việc nhà” cấp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2014 (19/01/2015)
BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CÔNG TÁC NỮ CÔNG NĂM 2014 VÀ ĐỊNH HƯỚNG CÔNG TÁC NỮ CÔNG NĂM 2015 (12/12/2014)
Công văn về việc đẩy mạnh các hoạt động nữ công năm học 2014 - 2015 (01/10/2014)
Gia đình là điều quan trọng nhất trên Thế giới này (23/06/2014)
Chính sách thai sản và thực hành nuôi con bằng sữa mẹ (16/06/2014)
Hướng dẫn tổ chức Tháng hành động vì Trẻ em, Ngày Gia đình Việt Nam và các ngày kỷ niệm về Dân số (30/05/2014)
Kế hoạch triển khai chiến lược phát triển gia đình Việt Nam và Chương trình hành động Quốc gia phòng chống bạo lực gia đình đến năm 2020; Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc 20 tháng 3 hàng năm (21/03/2014)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 17602239
Online: 1255
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn