logo Giới thiệu Giới thiệu chung

(GD&TĐ) Những kết quả nổi bật của ngành Giáo dục năm 2017
(23:57, 01/01/2018)
GD&TĐ - Năm 2017, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về GD-ĐT. Các nhiệm vụ đặt ra đã có tác động sâu rộng đến nhận thức cũng như hành động của toàn ngành, tạo ảnh hưởng tích cực đến toàn xã hội. Nhìn lại một năm qua, ngành Giáo dục đã đạt được một số kết quả nổi bật như sau:
Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH thành công, gọn nhẹ, giảm tốn kém, giảm áp lực cho thí sinh và xã hội
Năm 2017, Kỳ thi THPT quốc gia đã được tổ chức trong 2,5 ngày
Sáng 28/12/2017, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, trong đánh giá về kinh tế - xã hội của đất nước năm 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra nhận định về giáo dục. Theo đó, Tổng Bí thư cho rằng: Đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT đã tạo được những chuyển biến khá rõ nét trong đánh giá, thi, tuyển sinh, tự chủ đại học. 
(trước đây là 4 ngày) tại 63 cụm thi/ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là lần đầu tiên các sở chủ trì, chịu trách nhiệm chính trong tất cả các khâu của kỳ thi. Thí sinh được thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ ngay tại trường THPT thí sinh học.
Có 4/5 môn thi, bài thi được tổ chức thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, riêng môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Lần đầu tiên có các bài thi tổ hợp gồm các môn thi thành phần và môn Giáo dục công dân được đưa vào Kỳ thi. Điều này giúp tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi các môn Khoa học xã hội tăng cao (chiếm hơn 50%, trong đó môn Lịch sử có trên 58%).
Nhằm ngăn chặn tình trạng quay cóp và các gian lận, tiêu cực trong phòng thi, mỗi thí sinh trong phòng thi có một mã đề thi riêng. Kết quả thi THPT quốc gia năm 2017 đã đánh giá sát thực năng lực của thí sinh, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác xét tuyển vào ĐH.
Việc được đăng ký xét tuyển ĐH cùng lúc với đăng ký dự thi với số nguyện vọng không giới hạn đã tạo điều kiện cho thí sinh phát huy tối đa năng lực sở trường và điều kiện của mình; CNTT được ứng dụng triệt để nên kết quả thi, tuyển sinh khách quan, minh bạch, nghiêm túc, hiệu quả.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được tổ chức thành công khẳng định đổi mới thi, tuyển sinh đã đi đúng hướng. Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ được giữ ổn định cho tới năm 2020.
Đoàn Việt Nam làm nên thành tích lịch sử tại Olympic Toán học 2017.
Các đội tuyển Olympic đạt thành tích cao nhất trong lịch sử
Năm 2017, 5 đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic quốc tế môn Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Tin học đã mang về thành tích cao nhất từ trước đến nay với tổng số 31 huy chương, trong đó có 14 huy chương vàng, 13 huy chương bạc, 04 huy chương đồng.
Trong đó, đội tuyển Olympic Toán giành thành tích cao nhất trong lịch sử 43 năm tham dự với 4 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng, xếp thứ 3 toàn đoàn và có một học sinh đạt số điểm cao nhất kỳ thi. Đội tuyển Olympic Vật lý cũng lần đầu tiên có tới 4/5 học sinh trong đội tuyển đoạt huy chương vàng, 1 học sinh đoạt huy chương bạc. Đội tuyển Hóa học mang về 3 huy chương vàng, 1 huy chương bạc. Sau 16 năm tham dự, đội tuyển Sinh học lần đầu tiên đoạt 1 vàng, 2 bạc tại một kỳ Olympic quốc tế.
Ngoài ra, tại Cuộc thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật quốc tế dành cho học sinh trung học năm 2017, đoàn học sinh Việt Nam cũng đạt kết quả cao, xếp thứ 3 toàn đoàn sau Hoa Kỳ và Ấn Độ.
Kết quả của các đoàn học sinh tham dự Olympic năm 2017 khẳng định hướng đi đúng của ngành Giáo dục trong việc đổi mới công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi thời gian qua. Hơn hết kết quả này khẳng định sự nỗ lực, cố gắng của các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các em học sinh trên chặng đường chinh phục các đỉnh cao tri thức.
Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi
Sau 6 năm triển khai Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tháng 4/2017, 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Quá trình thực hiện phổ cập đã tạo nền tảng cơ bản cho việc nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ; phát triển mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất theo hướng chuẩn, phù hợp với điều kiện vùng miền, mỗi xã phường đều có một trường mầm non; đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý phát triển về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu chăm sóc giáo dục trẻ; trẻ được chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục mầm non.
Thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
Năm 2017, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT thông qua. Đây là bước khởi đầu quan trọng cho quá trình triển khai thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông theo yêu cầu Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Song song với quá trình xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục tích cực chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên, CBQL và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cơ sở giáo dục phổ thông phục vụ triển khai áp dụng chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới.
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã đã thông qua Nghị quyết số 51/2017/QH14 về điều chỉnh điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13. Theo đó, thời hạn áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu chậm nhất từ năm học 2020-2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022-2023 đối với cấp trung học phổ thông.
Hoàn thành 2 dự thảo luật quan trọng
Năm 2017, Bộ GD&ĐT đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và dự án Luật sửa đổi bổ sung, một số điều của Luật Giáo dục ĐH.
Những sửa đổi, bổ sung của dự thảo dự án Luật Giáo dục tập trung vào các nhóm vấn đề: Sửa đổi, bổ sung hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo; sửa đổi, bổ sung quy định về giáo dục phổ thông, GDTX để đẩy mạnh phân luồng sau THCS, định hướng nghề nghiệp ở THPT, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời; bổ sung một số quy định nhằm thể chế các chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng một số quy định tại các văn bản dưới Luật đã thực hiện ổn định và được thực tiễn kiểm nghiệm, giao thẩm quyền ban hành các quy chế, quy định liên quan đến hoạt động nhà trường phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Những sửa đổi, bổ sung của dự thảo dự án Luật Giáo dục ĐH chủ yếu liên quan tới bốn chính sách cơ bản: mở rộng phạm vi, nâng cao hiệu quả của tự chủ ĐH; đổi mới quản trị ĐH, đổi mới quản lý đào tạo tiệm cận với chuẩn quốc tế, đổi mới quản lý nhà nước phù hợp với điều kiện tự chủ ĐH.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH theo kế hoạch sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ  6 (tháng 10/2018).
Tăng cường kiểm định, đảm bảo chất lượng đào tạo trong các cơ sở giáo dục ĐH
Năm 2017 công tác thẩm định, kiểm định và xếp hạng ĐH được chú trọng. Bộ GD-ĐT đã triển khai kế hoạch tổ chức thẩm định, xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng cơ sở giáo dục ĐH; ban hành Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH.
Việc triển khai kiểm định chất lượng theo các quy định mới này sẽ giúp các trường ĐH Việt Nam phát triển, nâng cao chất lượng theo hướng hội nhập với khu vực và trên thế giới, khẳng định chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam đối với các đối tác quốc tế.
Tính đến cuối năm 2017, đã có 246 cơ sở giáo dục ĐH và trường CĐ, trung cấp sư phạm hoàn thành báo cáo tự đánh giá, 79 trường đã được đánh giá ngoài, 51 trường được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng; 7 chương trình đào tạo giáo dục ĐH được đánh giá ngoài và công nhận bởi các tổ chức kiểm định trong nước; 92 chương trình đào tạo được đánh giá, công nhận bởi các tổ chức kiểm định nước ngoài.
Đáng chú ý, nhiều trường ĐH đã mạnh dạn tham gia kiểm định với các tổ chức quốc tế. 4 trường ĐH đã được được Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục ĐH (HCERES) của Pháp công nhận đạt chuẩn kiểm định trường ĐH; 2 trường được đánh giá theo tiêu chuẩn của AUN-QA. Một số trường ĐH của Việt Nam cũng đã tham gia đánh giá và được công nhận xếp hạng theo chuẩn QS, trong đó 5 trường có tên trong danh sách những trường top đầu của Châu Á, 3 trường được gắn 3 sao bởi QS-Stars. 
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng thầy Đặng Văn Cương và em Đinh Văn K'Rể trong chương trình “Thay lời tri ân” năm 2017.
Nhiều tấm gương người tốt việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học
Năm 2017, rất nhiều những câu chuyện cảm động về tình thầy trò, về sự tận tâm, tận lực của những cô giáo, thầy giáo sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, hy sinh cho sự nghiệp trồng người đã được ghi nhận.
Đó là thầy giáo Ninh Văn Dậu với hành trình tìm trò gian nan nhưng chưa khi nào nản lòng. Đó là thầy giáo Đặng Văn Cương với niềm tin mãnh liệt gửi vào cậu học trò tí hon Đinh Văn K’Rể. Đó là cô giáo Vũ Thị Hằng, người đã vượt lên từ những khó khăn, thiếu thốn của điểm trường để cùng học trò khuyết tật Giàng Văn Dũng chinh phục con chữ. Đó là hàng trăm thầy cô giáo ở Quảng Ninh nắm tay để được hiến máu cứu trò. Còn hàng trăm, hàng ngàn những câu chuyện như thế chưa được kể nhưng vẫn đang lặng lẽ diễn ra mỗi ngày trên khắp mọi nẻo đất nước...
Năm 2017 cũng là năm mà phong trào đổi mới, sáng tạo trong dạy và học thực sự trở thành một phần không thể thiếu trong mỗi nhà trường, bắt đầu trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người. Nhiều tấm gương giáo viên không ngừng nỗ lực học hỏi, tìm tòi, đổi mới, sáng tạo mạnh dạn áp dụng những phương pháp mới vào giảng dạy hay đẩy mạnh các hoạt động giáo dục mang tính thực tiễn.
Theo thống kê trong năm 2017, hơn 12.000 giáo viên trên cả nước đã tự xây dựng những bài giảng điện tử tham gia cuộc thi quốc gia thiết kế bài giảng E-learning, đóng góp hơn 4.000 bài giảng chất lượng vào kho bài giảng trực tuyến của Bộ. 
Tăng cường nền nếp, kỷ cương, chấn chỉnh các hoạt động ngoài chuyên môn
Năm 2017, ngành Giáo dục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nhằm siết chặt kỷ cương, nền nếp và phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm tại các cơ sở giáo dục. Bên cạnh chỉ đạo các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, Bộ GD-ĐT đã trực tiếp thanh tra một số địa phương.
Lần đầu tiên, hàng loạt vụ việc liên quan tới lạm thu đầu năm học được phanh phui, được truyền thông rộng rãi và được xử lý quyết liệt, nhiều người đứng đầu các cơ sở giáo dục đã phải nhận hình thức kỷ luật nghiêm khắc vì để xảy ra tình trạng lạm thu.
Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục tập trung kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan và biến tướng các hình thức dạy thêm học thêm; yêu cầu các cơ sở giáo dục tiếp tục đổi mới phương pháp dạy nhằm giảm bớt tình trạng dạy thêm, học thêm.
Từ những vấn đề đặt ra trong thực tiễn, Bộ GD&ĐT đã tiến hành sửa đổi, bổ sung Thông tư 17 quy định về dạy thêm, học thêm; Thông tư 55 ban hành Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh theo hướng chặt chẽ, bám sát thực tế, quy định trách nhiệm cụ thể, tăng cường chế tài xử lý vi phạm, phân cấp quản lý hiệu quả cho các địa phương.
Để chấn chỉnh việc tổ chức các cuộc thi gây áp lực giáo viên, học sinh, Bộ GD&ĐT đã có công văn yêu cầu tinh giảm các cuộc thi dành cho giáo viên, học sinh phổ thông. Hơn 1/2 số cuộc thi, hội thi không liên quan đến hoạt động chuyên môn, chồng chéo, gây áp lực cho giáo viên, học sinh đã được rà soát và cắt bỏ. Ngày 7/11/2017, Bộ GD&ĐT tiếp tục có công văn hướng dẫn tổ chức các cuộc thi dành cho học sinh phổ thông từ năm học 2017-2018. 
Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nhà giáo, CBQL
Năm 2017, ngành Giáo dục đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục các cấp: Bộ GD-ĐT xây dựng và hoàn thiện Đề án quy hoạch mạng lưới các cơ sở GD-ĐT giáo viên giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn đến năm 2030; triển khai Chương trình ETEP - Nâng cao năng lực các trường sư phạm để đào tạo bồi dưỡng giáo viên và CBQL giáo dục phổ thông nhằm mục đích triển khai Đề án 732 của Chính phủ
Đẩy mạnh tổ chức các khóa bồi dưỡng giáo viên chú trọng phát triển các năng lực nền tảng và các năng lực tổ chức các hoạt động học tập của học sinh; tổ chức bồi dưỡng, ổn định đội ngũ giáo viên cốt cán cho các cấp học phổ thông theo địa bàn từng trường, từng huyện, từng tỉnh và thực hiện đổi mới bồi dưỡng thường xuyên theo hướng thực sự tăng cường tính tự học, tự bồi dưỡng của người học, trách nhiệm của nhà trường và cơ quan quản lý giáo dục; tăng cường ứng dụng CNTT và áp dụng hình thức bồi dưỡng trực tuyến cho giáo viên, CBQL.
Năm 2017 còn là năm ngành Giáo dục tập trung xây dựng và hoàn thiện một số chính sách và cơ chế về bổ nhiệm, sử dụng, đãi ngộ, kiểm tra, đánh giá đối với đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông phù hợp với yêu cầu đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục.
Đặc biệt, đề xuất xếp lương nhà giáo ở bậc cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đã nhận được sự đồng thuận rất cao của những người trong cuộc, bởi chỉ khi có đãi ngộ xứng đáng, mỗi giáo viên mới thực sự yên tâm cống hiến với nghề và nghề giáo mới thực sự có sức hút với những người giỏi.
Theo Bộ GD&ĐT
 

  


Các tin khác
(02/02/2009)
(02/02/2009)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 17603694
Online: 1811
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn