logo Chuyên đề Gương Nhà giáo và Người lao động

Ngời sáng trí tuệ học đường
(01:51, 16/10/2016)

Ngày 19-10 tới đây, ngành giáo dục sẽ tổ chức lễ vinh danh nhà giáo và HS tiêu biểu năm học 2015-2016 và Phát động phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học giai đoạn 2016-2020". Đây là năm đầu tiên sự kiện này được tổ chức với mong muốn thắp sáng ngọn lửa trí tuệ học đường, khơi dạy tinh thần sáng tạo trong giảng dạy và học tập. Bài viết này sẽ giới thiệu tới độc giả một số tấm gương tiêu biểu sẽ được vinh danh trong sự kiện này.

 


Thầy giáo Vũ Quang Bích với mô hình tàu đệm từ

Trăn trở với rau an toàn

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Tây Nguyên nắng gió, nơi có loài hoa dã quỳ nở vàng rực rỡ gần như quanh năm. Sớm thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của những người nông dân như cha mẹ mình trên vùng đất bazan cằn cỗi, sớm thấu hiểu giá trị của nông sản khi sử dụng phân bón hữu cơ và giá trị của nông sản sạch, hai học sinh lớp 11 của Trường THPT Trường Chinh, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai là em Trần Hoàng Quân và Bùi Thị Hiền đã có một ý tưởng táo bạo, biến loài hoa dã quỳ trở thành một loại phân bón hữu cơ.

Chia sẻ về ý tưởng này, em Trần Hoàng Quân cho biết: “Hiện nay trên thị trường có nhiều loại rau không an toàn do được bón nhiều loại phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó ở quê em là Tây Nguyên có nguồn phân chuồng rất ít. Dựa vào hai nguyên nhân đó, chúng em đã tiến hành tìm ra một nguồn phân mới, giúp ích cho sự phát triển của cây rau và vẫn đảm bảo được an toàn”

Được sự hỗ trợ đắc lực của cô giáo Sinh học Nguyễn Thị Diệu Hạnh, ý tưởng của các em đã dần trở thành hiện thực. Nghiên cứu của các em đã được Hội đồng khoa học của nhà trường hỗ trợ. Sau nhiều lần thử nghiệm và gửi mẫu sinh phẩm vào Trung tâm Sắc ký Hải Đăng (TP Hồ Chí Minh) để kiểm định chất lượng đã cho kết quả.

Với sản phẩm này, nhóm nghiên cứu đã tham gia Hội thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia và đạt giải Nhì. Đối với cô giáo Hạnh, người đã đồng hành và nhen lên đam mê sáng tạo cho các em, giải thưởng này chính là xuất phát điểm để học sinh của nhà trường tiếp tục các ý tưởng sáng tạo phục vụ cho cuộc sống.

Cô chia sẻ: “Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông do Bộ tổ chức những năm qua đã có tác động rất tích cực. Các em học sinh đã biết tìm tòi các vấn đề để nghiên cứu, các em đã bắt đầu tiếp xúc với cách nghiên cứu khoa học. Các thầy cô biết cách hướng dẫn học sinh các phương pháp nghiên cứu khoa học”.

Hai sáng tạo đáng giá của thầy Vũ Quang Bích

Hà Nam, vùng đất chiêm trũng vốn nổi tiếng là đất hiếu học. Dù cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng trở lại vùng đất này dường như vẫn còn nghe văng vẳng đâu đây “tiếng trống Bắc Lý”. Giáo dục Hà Nam hôm nay vẫn giữ được nhiều nét của một thời đã xa bởi chính tinh thần vượt khó, sáng tạo không ngừng của những người làm thầy.

Thầy giáo Vũ Quang Bích, giáo viên Trường THCS Đạo Lý, huyện Lý Nhân là một điển hình như thế. Biết trường còn nghèo, điều kiện cơ sở vật chất cho học tập còn nhiều thiếu thốn, thầy Bích đã bắt tay thực hiện các ý tưởng sáng tạo của mình.

Cụ thể, đó là thiết bị dạy học điện từ, mô hình tàu đệm từ. Đây là mô hình dạy học có vận dụng kiến thức về điện từ học của môn Vật lí lớp 9, dùng để dạy học và thực hành cho cấp THCS, có thể nghiên cứu, áp dụng đại trà ở các bậc học cao hơn. Bộ thiết bị của thầy Bích đã đoạt Huy chương Đồng tại triển lãm sáng tạo trẻ quốc tế tại Đài Loan năm 2015.

Thầy Phạm Ngọc Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Đạo Lý cho rằng, sáng tạo của thầy Bích đã góp phần to lớn vào việc giảng dạy và thực hành môn Vật lí trong nhà trường và niềm tự hào của ngành giáo dục địa phương.

Chưa hết, thầy Vũ Quang Bích còn được biết tới với sáng kiến sử dụng máy chiếu dạy học theo phòng học bộ môn được đánh giá cao. Đam mê nghiên cứu, hết lòng với học sinh, trước yêu cầu đổi mới giáo dục, thầy giáo Vũ Quang Bích mong muốn, sẽ làm được nhiều hơn nữa để giúp học sinh nâng cao khả năng thực hành, trải nghiệm sáng tạo, từ đó phát huy năng lực toàn diện của các em.

Cặp vợ chồng giáo viên giàu sáng tạo

Ở Kon Tum có một cặp vợ chồng thầy cô giáo nổi tiếng bởi những thành tích trong đổi mới, sáng tạo. Đó là cô giáo Võ Thị Ngọc Ánh, giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành và thầy giáo Lê Công Cường, Trường THPT Phan Bội Châu. Đây có lẽ là cặp vợ chồng giáo viên duy nhất trong cả nước cùng đoạt giải tài năng, sáng tạo do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Với sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin và giảng dạy, cô giáo Võ Thị Ngọc Ánh đã mạnh dạn thiết kế bài giảng điện tử e-Learning vào giảng dạy môn Toán. Thiết kế này không chỉ mang lại hiệu quả trong giảng dạy của nhà trường mà còn mang lại cho chị giải Nhất tại cuộc thi “Nữ giáo viên sáng tạo” năm 2014 của Bộ GD&ĐT.

Đam mê và trăn trở với sự nghiệp trồng người, cô giáo Võ Thị Ngọc Ánh chia sẻ sẽ được tham gia nhiều hơn những cuộc tập huấn để nâng cao trình độ và tiếp cận các phương pháp, các xu hướng mới. Đồng thời mong muốn có được cơ sở vật chất tốt để thuận lợi cho công tác vừa đào tạo, vừa nghiên cứu.

Những câu chuyện không dứt

Không giống các trường học thông thường khác, các trung tâm giáo dục thường xuyên từ lâu đã được biết đến là nơi tập trung của những học sinh có hoàn cảnh éo le, học sinh không đồng đều về độ tuổi, nhận thức, học sinh yếu và thậm chí là học sinh cá biệt. Công tác trong môi trường ấy gần chục năm, cô giáo Cao Thị Mơ thấu hiểu nỗi vất vả của các em, thấu hiểu cả tinh thần học tập không mấy hứng thú của học sinh để có 2 ý tưởng sáng tạo nhằm tạo hứng khởi học tập cho học sinh. Đó là việc sử dụng một số kỹ thuật và phương pháp dạy học tích cực trong giảng dạy và giải pháp lồng ghép tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh ở một số bài dạy bộ môn Giáo dục công dân lớp 10. Sáng kiến của cô đã được Sở GD&ĐT thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao.

Gặp chị trong những ngày chuẩn bị sinh cháu thứ hai nhưng trong ánh mắt cô giáo trẻ ấy luôn ánh lên sự nhiệt tâm với sự nghiệp trồng người. Với chị được chia sẻ với học sinh những câu chuyện từ thực tế cuộc sống chính là cách giúp các em trở thành những con người yêu cuộc sống, có ích với cuộc sống.

Chúng tôi muốn kể nhiều nữa những câu chuyện về đổi mới sáng tạo của thầy cô giáo và các em học sinh. Bởi sự sáng tạo ấy hôm nay vẫn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong mỗi lớp học, dưới mỗi mái trường.

Cuộc gặp gỡ vào tháng 10 kể từ năm nay sẽ được ngành giáo dục tổ chức định kỳ hàng năm. Một cuộc gặp gỡ hay vinh danh không thể nói hết được những hy sinh thầm lặng của hàng triệu con người đang ngày đêm hết mình vì sự nghiệp trồng người nhưng sẽ đủ thắp sáng niềm tin giữa ít nhiều những băn khoăn đang thấp thoáng đâu đó khi nói về giáo dục.

Trung tâm Truyền thông Giáo dục

  


Các tin khác
Dự án tích hợp liên môn từ nghệ thuật Tuồng khiến học sinh thích thú (16/10/2016)
Chị Tăng Thị Ngọc Mai – Tấm gương vượt khó (13/10/2016)
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Duyên tấm gương sáng trong giảng dạy (09/09/2016)
Gương cô giáo Nguyễn Thị Vần “Giỏi việc trường – đảm việc nhà” (20/07/2016)
Thầy Vũ Văn Tuấn – Tâm huyết với nghề, làm theo lời Bác, điển hình trong công tác quản lý (20/07/2016)
Cô giáo Bùi Thị Bình - bông hoa giữa đời thường luôn khoe sắc!!! (20/06/2016)
Thầy giáo Bùi Thái Học - Say sưa với chuyên môn, hết lòng vì đội tuyển (20/06/2016)
NGƯỜI ÂM THẦM TIẾP THÊM TRI THỨC (07/01/2016)
NGHĨA TRANG LIỆT SĨ GIÁO DỤC TẠI TÂY NINH (22/12/2015)
(VNEXPRESS) - Việt Nam có nữ giáo sư Toán học thứ hai (03/11/2015)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 17708259
Online: 667
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn